Với người Việt, mối quan hệ với hàng xóm khá khăng khít, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Cả người lớn và trẻ con có thể ra vào nhà nhau rất tự nhiên. Chưa kể, dễ dàng chạy sang nhà nhau xin quả ớt, miếng chanh lúc gấp gáp, rồi thoải mái biếu nhau cái bánh, chục trứng. Việc thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu giữa những người sống cùng một khu đã trở thành một nếp sống đậm chất Việt Nam.
Cũng giữ nếp sống Việt khi mới sang Nhật, chị Kiều Như ngụ tại Ibaraki cho biết, mới đây gia đình vừa chuyển nhà tới, chị tự tay làm bánh rán và mang 1 đĩa biếu bác hàng xóm người Nhật, nhưng bác lại nhất định không nhận.
Thực tế, văn hóa ứng xử với hàng xóm của người Nhật có sự khác biệt lớn so với người Việt chúng ta.
Không tự tiện ghé thăm nhà hàng xóm
Với người Nhật, nhất là tại các thành phố lớn, nhà riêng gần như được mặc định là nơi đặc biệt riêng tư, chỉ có họ và gia đình ra vào, sinh hoạt. Kể cả hàng xóm cực kỳ thân nhau cũng không tự ý vào nhà đối phương, mà thường chỉ đứng ở cửa “buôn chuyện”.
Không nhìn vào nhà người khác
Khác với người Việt thường xuyên mở hết các cửa để đón ánh nắng và khí trời trong lành, nhà người Nhật đa phần đóng cửa sổ và kéo rèm 2 lớp. Ban ngày, khi muốn đón ánh sáng tự nhiên, họ thường mở lớp rèm dày bên trong và giữ lại lớp rèm ren mỏng phía ngoài, người đi đường không thể nhìn vào bên trong căn nhà.
Đây là cách giữ sự riêng tư kiểu Nhật, không muốn bị ai nhìn vào nhà, soi mói họ đang làm gì… Chính vì vậy, nếu bắt gặp nhà hàng xóm đang mở hết rèm, thì cũng không nên nhìn chằm chằm vào nhé!
Không gây ồn
Ở Việt Nam, dễ dàng bắt gặp hàng xóm hát karaoke cả buổi, hay tiếng khoan đục sửa nhà giữa buổi trưa, tiếng trẻ con la hét nghịch ngợm. Những âm thanh ồn ào dường như trở thành một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, với người Nhật, những tiếng ồn vượt qua mức độ nào đó sẽ trở thành âm thanh gây phiền toái.
“Có lần nhóm bạn của em tổ chức liên hoan sinh nhật ở nhà một người bạn, vô tư hát hò, cười nói. Không khí đang vui vẻ thì có tiếng bấm chuông, mở cửa ra, mấy chú cảnh sát Nhật đang đứng đó rồi và nhắc nhở chúng em giữ yên tĩnh. Có lẽ người hàng xóm nào đó đã gọi cảnh sát vì chúng em gây ồn”, Đức Trọng, 22 tuổi, đang sống ở Osaka cho biết.
Tại Nhật, việc hạn chế ô nhiễm tiếng ồn là một trong những quy tắc ngầm được hầu hết mọi người tuân thủ. Do đó, bạn cần lưu ý điều này để giữ hòa khí vui vẻ với hàng xóm.