Dở khóc dở cười khi không biết tiếng Nhật đi làm ở Nhật

Chiếc máy phay gặp sự cố cho sản phẩm, dù không phải người gây lỗi, nhưng anh Trọng không thanh minh được cho bản thân vì kém tiếng Nhật.

Những năm gần đây, nhu cầu tuyển lao động trẻ nước ngoài ngày càng tăng cao trong các doanh nghiệp Nhật Bản. Nhiều công ty chấp nhận các nhân sự với trình độ tiếng Nhật cơ bản, hoặc chỉ cần có chứng chỉ tiếng Nhật N3, N4, miễn sao đáp ứng bằng cấp chuyên môn. Nhiều cửa hàng, xưởng còn chấp nhận người lao động hầu như không biết tiếng Nhật.

Điều này dẫn tới nhiều bạn trẻ sang Nhật làm với vốn tiếng Nhật ít ỏi, gần như khó giao tiếp trong môi trường làm việc.

Khó học việc

Anh Đình Trọng sang Nhật cuối năm 2023, hiện đang là kỹ sư tại một xưởng gia công cơ khí. Có bằng N3, nhưng anh thừa nhận trình độ giao tiếp tiếng Nhật “vẫn như vịt nghe sấm”. Không giỏi tiếng cũng gây ra nhiều phiền toái trong quá trình làm việc. Người quản lý hướng dẫn công việc cho anh là một bác người Nhật hơn 50 tuổi khá nghiêm khắc.

“Trong xưởng có rất nhiều hệ thống máy móc hiện đại, bác quản lý hướng dẫn các loại máy, cách thao tác máy… Nhưng toàn từ mới rất khó hiểu. Mình chưa hiểu lắm vẫn phản xạ đáp ‘vâng’. Mà sau đó lại làm sai nhiều lần. Bị bác mắng té tát”, anh Trọng nhớ lại.

Cùng ôm nỗi khổ vì không giỏi tiếng Nhật, chị Bích Ngọc, vợ của anh cũng có những tình huống bi hài tương tự. Chị mới sang Nhật theo visa gia đình từ tháng 3 năm nay. Được người quen giới thiệu vào làm tại xưởng cơm hộp. Dù ít phải giao tiếp tiếng Nhật trong môi trường xưởng, nhưng cũng có một vài lần trưởng nhóm sai việc mà chị Ngọc không hiểu, có lúc lại làm sai.

Sau nhiều lần phải nhờ người bạn đồng hương phiên dịch giúp, chị ngán ngẩm: “Không biết tiếng khổ thật. Giờ mình mới thấm”.

Khó làm việc nhóm

Môi trường làm việc tại Nhật Bản vốn đề cao tinh thần làm việc nhóm. Thậm chí trở thành văn hóa làm việc nhóm, gọi là Horenso.

Horenso – quy tắc làm việc quan trọng của người Nhật là từ viết tắt của 3 từ:

  • Hokoku: Báo cáo (thường xuyên báo cáo với cấp trên về tiến độ công việc, những sự cố phát sinh hay những đầu việc đã hoàn thành)
  • Renraku: Liên lạc (luôn cập nhật đầy đủ thông tin cho các bộ phận liên quan tránh trường hợp phát sinh)
  • Sodan: Thảo luận (bàn bạc, thảo luận với mọi người khi có sự cố hoặc gặp vấn đề khó để tất cả cùng đưa ra hướng giải quyết tốt nhất)

Quy trình làm việc này trở thành một vòng tròn khép kín nâng cao hiệu quả công việc cho nhóm.

Người Nhật thường xuyên làm việc nhóm. Ảnh: toyokeizai

Khi bạn không biết tiếng Nhật, bạn sẽ gặp khó khăn khi báo cáo tiến độ công việc với cấp trên. Lại không biết phải kết nối, liên lạc với các bộ phận thế nào. Khi xảy ra sự cố, cần làm việc nhóm, bạn không biết phải nói ra sao để bàn bạc cùng mọi người… Nói cách khác, hiệu quả công việc của bạn không cao và rất khó hỗ trợ công việc chung của tập thể.

Khó thanh minh

Trong quá trình làm việc, chúng ta khó có thể tránh khỏi sơ suất, sai sót, hoặc các sự cố ngoài ý muốn.

Anh Trọng cho biết, có một lần chiếc máy phay gặp sự cố gây lỗi cho sản phẩm. “Mặc dù không phải lỗi tại mình. Nhưng vì cũng đứng gần đó, thế là phải vào họp, rồi phải viết, ký biên bản làm việc. Tất cả vì mình kém tiếng không thanh minh được cho bản thân”.

Không thăng tiến

Nếu bạn có những đề xuất hay, giúp cải tiến quy trình làm việc, tăng năng suất, rút ngắn thời gian làm việc… Nhưng bạn không giỏi tiếng Nhật, không thể trình bày rành mạch ý tưởng. Cấp trên cũng khó đánh giá năng lực của bạn.

Chính vì vậy, để làm việc thuận lợi và triển vọng tại Nhật, việc đầu tiên bạn phải học tốt tiếng Nhật nhé.

Scroll to Top