Đi câu cá suối ở Nhật Bản có cần giấy phép không?

Trên Facebook, các hội nhóm người Việt tại Nhật chia sẻ sôi nổi về kinh nghiệm đi câu cùng những bức ảnh thành quả các loại cá đầy ắp thùng.

Hệ sinh thái đa dạng của Nhật lý tưởng cho người thích câu cá

Nhật Bản là quốc đảo với hệ thống sông, suối và hồ dày đặc. Thêm nữa, bốn bề được biển cả bao quanh. Do vậy, cuộc sống của người Nhật gắn liền với đánh bắt cá. Thú vui câu cá cũng từ đó hình thành. Vào thế kỷ XVII, khi kết thúc thời kỳ chiến quốc Sengoku, đất nước thanh bình, các võ sĩ đạo Samurai, không phải ra trận. Để giết thời gian nhàn rỗi, họ nghĩ ra nhiều trò giải trí, trong đó có câu cá suối.

Ngày nay, ở khắp các thành phố, đều có nhiều câu lạc bộ câu cá và những cửa hàng trang bị đồ câu chuyên nghiệp phục vụ khách đam mê bộ môn này.

Câu cá được cả người lớn và trẻ em yêu thích. Ảnh: bepal

Nhiều người Việt khi sinh sống, làm việc ở Nhật Bản cũng rất yêu thích câu cá. Anh Đinh Tùng, 28 tuổi, đang làm việc tại Nagano cho biết, cuối tuần rảnh rỗi thường cùng vài người bạn rủ nhau đi câu cá suối bằng mồi ruồi nhân tạo.

“Trải nghiệm này cực kỳ thú vị. Vừa câu cá vừa tận hưởng thiên nhiên tươi mát. Không gian tĩnh lặng, màu xanh của núi rừng, tiếng suối chảy róc rách, chim hót líu lo như liều thuốc chữa lành cho tâm hồn”, Tùng nói. 

Đi câu ở Nhật có cần giấy phép?

Thực tế, người dân không cần phải có giấy phép câu cá (licence) bất kể là câu cá nước mặn hay nước ngọt, ngoại trừ các hoạt động đánh bắt cá vì mục đích thương mại. Tuy nhiên phải câu ở những khu vực được phép câu cá.

Các loài cá suối phổ biến

Cá hồi Amago 

Chủ yếu sống ở miền Tây Nhật Bản. Độ dài trung bình 30-50 cm, phần thân cá có màu bạc với các đốm hình bầu dục màu xám, các đốm nhỏ màu cam và đỏ nằm rải rác. Chế biến nướng muối, sashimi, kanro-ni…

Cá hồi Amago. Ảnh: fishai

Cá hồi Yamame 

Loài cá này thuộc dòng cá hồi Hoa anh đào (Cherry Salmon), được xem là “nữ hoàng” của dòng suối núi Yamame. Chiều dài khoảng 20 cm. Cá có màu bạc, hơi đỏ, trên thân có các hình bầu dục dài. Chế biến nướng muối, rán hay ngâm dấm đều ngon. Cá này phổ biến ở Hokkaido, Kanagawa, Yamaguchi, Oita, Miyazaki…

Cá hồi Yamame. Ảnh: fishai

Cá hồi Iwana

Cá Iwana có chiều dài trung bình 20 cm. Những đốm trắng rải rác trên thân màu xám là đặc trưng dễ nhận biết. Loài này thường sống ở thượng nguồn các dòng suối trên núi.

Cá hồi Iwana. Ảnh: Flyfisher

Loài cá Iwana có 4 biến thể khác nhau gồm ​​​​Ezoiwana, Yamato char, Gogi, và Nikko Iwana. Cá Ezo Iwana sống chủ yếu từ vùng Hokkaido đến Chiba, trong khi đó cá Yamato Iwana sống từ Kanagawa đến Bán đảo Kii, cá Gogi sống từ Shimane đến Okama và Hiroshima, cá Nikko Iwana sống từ Tohoku đến Yamanashi và Tottori. 

Cá Iwana chế biến nhiều món như nướng muối hay ăn sashimi… 

Thời điểm thích hợp câu cá suối

Các loại cá suối trên núi như cá hồi char và cá hồi Yamame, thỉnh thoảng sẽ có lệnh cấm đánh bắt cá. Thời gian cấm đánh bắt cá sẽ khác nhau tùy theo khu vực và dòng sông. Dưới đây là các thời điểm bạn được phép câu cá suối trong năm: 

  • Tohoku: Từ ngày 1/4 đến ngày 30/9 
  • Kanto: Từ ngày 1/3 đến giữa tháng 10 
  • Tokai: Từ ngày 1/3 đến ngày 30/9 hoặc 31/10 
  • Kinki/Hokuriku: Từ ngày 1/3 đến ngày 31/8 hoặc 30/9 
  • Chubu: Từ ngày 1/3 đến ngày 31/8 hoặc 30/9 
  • Shikoku/Kyushu: Từ ngày 1/3 đến ngày 30/9 

Đi câu cá suối cần chuẩn bị gì? 

1. Mồi câu cá 

  • Mồi câu cá: mồi câu cá hiệu quả nhất là các loại vật sống trên sông như các loại phù du, đom đóm hoặc trứng cá hồi.
  • Mồi câu giả: sử dụng để làm mồi nhử cá
  • Câu cá bằng ruồi nhân tạo: Kim lông (ruồi) bắt chước côn trùng được sử dụng. Con ruồi nhẹ đến mức cần có cần câu, cuộn dây và sợi chỉ chuyên dụng để câu cá bằng ruồi. Hầu hết cá suối núi bạn đều có thể câu cá theo cách này. 
  • Câu cá theo phương pháp Tenkara: Giống như câu cá bằng ruồi, câu cá tenkara sử dụng kim tóc, nhưng khác ở chỗ nó không sử dụng cuộn dây. Các dụng cụ cần có cho phương pháp Tenkara này là kim tóc, thanh và sợi.
Câu cá suối cho bạn cảm giác đắm mình vào thiên nhiên. Ảnh: activityjapan

2. Các trang thiết bị cho người đi câu 

Bên cạnh các vật dụng bắt buộc như cần câu, dây câu, phao… theo kinh nghiệm của anh Đinh Tùng, cần mặc quần áo không thấm nước, giày lội nước chống trượt để di chuyển dễ dàng trên các tảng đá nhiều rong rêu.

Ngoài ra, đai lội nước sẽ giúp bạn không bị cuốn trôi khỏi dòng nước nếu vô tình đi vào khu vực nước cuốn xiết. Bạn có thể móc kèm các vật dụng khác như một cây gậy, chai nước uống…

Chúc bạn có những trải nghiệm câu cá suối thú vị.

Scroll to Top