Quán mỳ độc nhất Kyoto
Những ngày nắng hè tháng 7, nhiều người dân lặng lẽ xếp hàng dài hàng trăm mét trước một nhà hàng somen trên triền núi Kyoto. Quán mỳ Hirobun là nơi duy nhất ở thành phố cổ này phục vụ món nagashi somen (mỳ somen chảy trong ống tre, trúc) và chỉ mở cửa trong vụ hè thu.
Trần Nhật Anh, 28 tuổi, một nhân viên kaigo đi cùng 2 người bạn. Cô tỏ ra thích thú, “con đường vào quán mỳ có hàng cây xanh rì bao phủ, những ngôi nhà cổ kính đậm chất Kyoto và dọc theo con sông Kibune, nên em đứng chờ hồi lâu cũng vẫn thấy thoải mái. Quán không cho đặt chỗ trước, dù 11 giờ trưa mới mở cửa, em đến từ 10 giờ đã thấy hàng trăm người xếp hàng”.
Nhà hàng Hirobun nằm cách trung tâm Kyoto 16km. Với không gian mở, cạnh suối, khách có thể thưởng thức ẩm thực giữa non nước thanh bình, ngắm dòng suối rì rào, rừng cây và bầu trời xanh trong của mùa hè. Món mỳ chảy trong ống tre được phục vụ theo lượt, mỗi lượt chỉ 10 người, do đó khách tới ăn thường phải đợi 1-3 giờ đồng hồ.

Món ăn tuyệt vời mùa hè
Sau nhiều giờ đồng hồ chờ đợi, Nhật Anh và các bạn cũng tới lượt vào quán. Đến quầy lễ tân để thanh toán tiền với giá 1,300 yên/suất, họ nhận cây quạt có số thứ tự của mình (nếu làm mất quạt sẽ bị phạt) và di chuyển xuống dưới quán, ngồi chờ ở chiếu chờ. Khu vực khách ngồi bên cạnh dòng suối mát lạnh, xua tan cái oi ả của mùa hè, khiến ai nấy đều cảm thấy thư thái, dễ chịu.
Trước đây, cách ăn nagashi somen là mỳ chảy trong ống tre sạch có nước lạnh. Hiện nay để đảm bảo vệ sinh và phù hợp với mọi du khách, Hirobun chuyển sang sử dụng ống nhôm được trang trí giống như ống tre.

Những nhúm mỳ nagashi somen trôi trước mặt Nhật Anh. Cô gái trẻ bỡ ngỡ gắp trượt. Người bạn đi cùng chỉ cho cô cách gắp mỳ “bách phát bách trúng”, đó là đặt đũa sẵn trong dòng nước, khi mỳ trôi qua hãy cố gắng gắp thật nhanh. Rồi nhúng mỳ vào bát nước dùng kiểu Nhật có tên tsuyu làm từ khô cá ngừ bonito hầm với tảo bẹ khô kombu, rượu gạo mirin, nước tương, có thể bỏ thêm hành lá cắt nhỏ cùng vài lát gừng thái sợi.
“Sợi mỳ mát lạnh, đượm nước dùng mằn mặn, thơm thơm, đúng là một món ăn thanh mát tuyệt vời trong mùa hè”, Nhật Anh nói.

Mỳ somen có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8. Khi đó, người ta dùng bột gạo làm mỳ somen. Tới thời Kamakura (1185 – 1333), người Nhật thay thế bằng bột mỳ. Suốt hàng trăm năm, đây là món ăn của giới quý tộc hoặc nhà sư. Từ thế kỷ 18, somen dần trở thành món ăn phổ biến hơn với tầng lớp bình dân. Somen cũng là loại mỳ có sợi mảnh nhất của người Nhật, với sợi dày chưa tới 1,3 mm khi chưa nấu chín. Ăn mỳ somen lạnh vào mùa hè, và thưởng thức somen nóng vào mùa đông (gọi là nyumen) trở thành nét ẩm thực đẹp tại Nhật Bản.