Khi người lao động làm việc không đúng tư cách lưu trú
Theo báo Asahi, một nam đầu bếp 40 tuổi người Việt Nam đến Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật cách đây 20 năm, rồi về nước. Đến năm 2018, vì muốn quay lại Nhật Bản làm việc, anh này đã nghe theo tư vấn của một người quen đang điều hành một công ty Việt cung ứng nhân lực cho thị trường Nhật. Theo đó, xin chuyển sang visa Lao động có tay nghề, chuyên về làm đầu bếp. Loại thị thực này cho phép người nước ngoài có chuyên môn cụ thể về ẩm thực dân tộc được làm việc tại Nhật Bản.
Vốn có hơn 10 năm kinh nghiệm phụ bếp tại quán ăn gia đình ở Việt Nam, anh dễ dàng thể hiện kỹ năng nấu nướng tốt qua món mì với chủ một nhà hàng ở Takatsuki, Osaka. Sau khi vượt qua bài kiểm tra này, anh được ký hợp đồng lao động, đồng thời phải trả 100 man yên phí trung gian. Anh nhận visa, trở thành đầu bếp và đến Nhật Bản vào tháng 10/2020.
Tuy nhiên, quán phở nơi anh làm việc buộc phải đóng cửa do đại dịch Covid-19. Từ đây, anh được công ty điều chuyển đến một cửa hàng burger. Thực tế, nơi này không phục vụ đồ ăn Việt Nam nên không đáp ứng các điều kiện trong visa đầu bếp của anh, nhưng anh không biết mình đang vi phạm luật về visa của Nhật Bản.
Hai năm sau, vào một ngày nọ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (nyukan) đã kiểm tra cửa hàng burger và phát hiện ra. Anh đã bị thu hồi tư cách cư trú và buộc phải về nước.
Với sự hỗ trợ của một nhóm luật sư bảo vệ người nước ngoài, người đàn ông này đã đệ đơn lên Tòa án quận Osaka, kiện công ty nhân sự và chủ nhà hàng, đòi bồi thường thiệt hại. Công ty tuyển dụng thừa nhận, họ biết việc điều chuyển này vi phạm các điều khoản thị thực, nhưng lại lập luận rằng người đàn ông này khăng khăng muốn có làm việc càng sớm càng tốt. Còn chủ nhà hàng phủ nhận mọi hành vi sai trái và khẳng định họ đã nhờ một nhân viên hành chính để tuân thủ quy định về thị thực.
Vào tháng 12/2024, bên tuyển dụng và chủ nhà hàng đồng ý bồi thường 2,5 triệu yên cho anh. Tuy nhiên, thị thực không được cấp lại và anh không thể quay trở lại Nhật Bản để làm việc.
Lỗ hổng pháp lý khiến lao động nước ngoài chịu thiệt
Theo các chuyên gia pháp lý, trường hợp điển hình này cho thấy những lỗ hổng mang tính hệ thống trong hệ thống tuyển dụng lao động nước ngoài của Nhật Bản. Vì thị thực lao động có tay nghề cho phép đầu bếp nước ngoài làm việc tại Nhật Bản mà không cần kiểm tra năng lực tiếng Nhật hoặc giám sát của các cơ quan chức trách, nên đã tạo ra lỗ hổng, khiến nhiều người lạm dụng để lách luật. Luật sư Shikata Hisanori, đại diện cho đầu bếp Việt ở phía trên, cho biết: “Trường hợp như thế này không phải là hiếm”.
Ông Okamoto Takeru, chuyên gia về luật di trú, cảnh báo, nhiều bên tuyển dụng muốn thuê đầu bếp nước ngoài nhưng không hiểu đầy đủ về các loại thị thực. “Khi người sử dụng lao động không biết rõ điều này, họ chẳng may giao việc ngoài những gì được phép trong điều kiện thị thực có thể dẫn đến cáo buộc hình sự về tội thúc đẩy việc làm bất hợp pháp”.
PGS Saito Yoshihisa, chuyên gia về luật lao động châu Á tại Đại học Kobe, cho rằng, Nhật Bản cần cải cách điều này để bảo vệ người lao động nước ngoài tốt hơn. Hiện có 45.000 công dân nước ngoài đang làm việc theo diện thị thực Lao động có tay nghề tại Nhật, tính đến tháng 6/2024.
Không giống như thị thực Người lao động có tay nghề cụ thể mới được ban hành vào năm 2019, visa Người lao động có tay nghề vốn không có sự giám sát từ các cơ quan chuyên môn. “Một số bên trung gian như công ty nhân sự đang hành động thiếu thiện chí, không tư vấn kỹ càng, nên các doanh nghiệp sử dụng lao động phải hiểu rõ các quy định về thị thực. Chính phủ cũng cần có những cải cách pháp lý, bao gồm cả yêu cầu trình độ tiếng Nhật của người lao động”, ông Sato nói.