Thách thức giữ tiếng mẹ đẻ song song tiếng bản địa
Chị Thanh Hoa, 35 tuổi, sống tại Tochigi, đã rất lo lắng khi cậu con trai 3 tuổi vẫn chưa nói được một câu đơn giản, chỉ thỉnh thoảng ê a vài từ. Sau khi đưa con đi kiểm tra, chị được bác sĩ cho biết bé phát triển bình thường nhưng chậm nói vì “loạn ngôn ngữ”. Chị chia sẻ, ở nhà hai vợ chồng thường nói chuyện với con bằng tiếng Việt, nhưng thi thoảng có kèm tiếng Nhật, vì chị sợ con không theo kịp cô và các bạn ở trường mầm non. Ngoài ra, chị cũng cho bé xem các chương trình thiếu nhi bằng tiếng Anh trên Youtube.
Cùng chung nỗi lo, chị Trần Lan, 31 tuổi, đang sống tại Saitama cho biết, con gái 2 tuổi của chị mới sang đoàn tụ cùng cha mẹ được nửa năm. Khi bé đi học mẫu giáo, cô có phản ánh tình trạng bé không hiểu tiếng Nhật. Khi cô nói, các bạn đều hiểu, chỉ riêng bé ngơ ngác. Cô khuyên chị Lan nên nói tiếng Nhật với con, cho bé tiếp xúc với tiếng Nhật nhiều hơn. “Thật sự mình hoang mang không biết phải làm thế nào, vì vừa mong con nói được tiếng Việt, vừa biết cả tiếng Nhật. Trong khi tiếng Việt con cũng chỉ mới bập bẹ”, chị nói.
Theo GS Deborah Ruuskanen tại Đại học Vaasa (Phần Lan), với những trẻ sống trong môi trường song hoặc đa ngôn ngữ, trước tiên chúng sẽ phải học cách xử lý và phân tách các ngôn ngữ khác nhau rồi mới bắt đầu nói chuyện. Do đó việc chậm nói ở những trẻ này là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, nuôi con trong môi trường đa ngôn ngữ mà ngay từ đầu cha mẹ đi sai đường trong cách giáo dục trẻ, có thể khiến con không lưu loát một ngôn ngữ nào, kể cả tiếng mẹ đẻ.
Dạy con thạo tiếng mẹ đẻ trước khi học tiếng thứ hai
Theo Viện Nghiên cứu Giáo dục thành phố Isesaki (Gunma), đối với việc phát triển ngôn ngữ của những trẻ lớn lên trong môi trường giao thoa của nhiều thứ tiếng và văn hóa khác nhau, thì năng lực tiếng mẹ đẻ đóng vai trò rất quan trọng. Tiếng mẹ đẻ có thể phát triển trong giai đoạn trẻ từ 2-5 tuổi cho đến 8 tuổi và định hình khi trẻ được 12-13 tuổi.
Để con thành thạo đồng thời tiếng Việt và tiếng Nhật, điều quan trọng trước hết là phụ huynh cần sử dụng tiếng Việt một cách có chủ đích tại gia đình, luôn quan tâm hỏi han, trò chuyện và đọc sách cho trẻ nghe thật nhiều. Khi trẻ sử dụng đồng thời cả hai thứ tiếng tại nhà và trường học, bé sẽ không gặp bất cứ vấn đề nào liên quan đến chậm phát triển ngôn ngữ.
Tiếng mẹ đẻ cũng sẽ giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khăng khít hơn, khi gặp khó khăn ở lớp trẻ có thể tâm sự với cha mẹ.
Phương pháp “Mỗi người một ngôn ngữ”
Phương pháp mỗi người một ngôn ngữ (OPOL) nghĩa là bố và mẹ sẽ sử dụng 2 ngôn ngữ khác nhau khi giao tiếp với trẻ. Chẳng hạn, mẹ nói với con bằng tiếng Việt, trong khi bố sử dụng tiếng Nhật.
OPOL được đánh giá là phương pháp nuôi dạy trẻ song ngữ rất hiệu quả, hạn chế việc trẻ bị xáo trộn ngôn ngữ. Đồng thời đảm bảo cho bé được tiếp xúc, sử dụng thường xuyên cả 2 ngôn ngữ. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực từ phía cha mẹ.
Thực tế, việc nuôi dạy thành công trẻ song ngữ, đa ngữ không có quy tắc chung cho mọi đối tượng. Bạn nên tìm hiểu các phương pháp để tìm ra chương trình phù hợp với con mình.