Nhật Bản là một trong những quốc gia thường xuyên xảy ra động đất nhiều nhất trên thế giới, vì nằm trên 4 mảng kiến tạo hội tụ. Theo tạp chí khoa học Nature, khoảng 1.500 trận động đất xảy ra ở đất nước này mỗi năm.
Sinh sống và làm việc tại quốc gia thường xuyên có động đất, chúng ta không thể biết trước khi nào sẽ xảy ra các trận động đất lớn, bắt buộc phải sơ tán. Do đó, nên chuẩn bị sẵn túi đồ dùng khẩn cấp, sẽ giúp ích cho bạn và gia đình ở nơi lánh nạn.
Chọn mua túi phù hợp
Trước hết, túi nên có kích thước và cân nặng vừa phải để dễ mang theo đến nơi sơ tán gần nhất. Dung tích túi từ 20-30 lít, chất liệu chống thấm nước. Thay vì túi, bạn cũng có thể dùng ba lô đeo sau lưng, tay dắt con nhỏ hoặc cầm những đồ khác.
Tùy vào số người, ví dụ một mình bạn, hoặc bạn và cả gia đình, nên tính toán kỹ số lượng đồ dùng để chuẩn bị trước. Vì túi/ba lô càng nhẹ thì sẽ càng dễ di chuyển.
Những đồ dùng thiết yếu trong túi đồ khẩn cấp
1/ Nước đóng chai: ít nhất 1 lít (ví dụ 2 chai 500ml), giúp tránh tình trạng cơ thể bị mất nước và dùng để rửa tay, làm sạch vết thương.
2/ Thực phẩm ăn liền, đồ đóng hộp, thanh protein… vừa đủ đạm và vitamin, lại có thể giữ được lâu. Số lượng đủ dùng trong vài ngày cho đến khi có đồ tiếp tế.
Nên kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm.
3/ Cồn sát khuẩn, khăn giấy ướt và khẩu trang, giúp giữ vệ sinh khi không có nhiều nước.
Khăn giấy đánh răng giúp vệ sinh răng mà không cần nước.
4/ Đèn pin đội đầu; còi; bật lửa
5/ Đồ dùng cấp cứu (băng cuộn, gạc, cồn sát khuẩn, thuốc men cơ bản)
6/ Nếu có con nhỏ, cần mang theo sữa thanh, bỉm…
Có thể dùng cốc giấy ở cửa hàng 100 yên thay cho bình sữa. Mang thêm vài món đồ chơi yêu thích của con để giúp bé bớt căng thẳng.
7/ Đồ lót, đồ vệ sinh cá nhân
Băng vệ sinh cũng có thể dùng để cầm máu vết thương trong trường hợp khẩn cấp
8/ Điện thoại di động; pin dự phòng
9/ Đài radio cầm tay
10/ Áo mưa
11/ Vật quan trọng, có giá trị (thẻ ngoại kiều, hộ chiếu, tiền mặt, sổ tiết kiệm, con dấu)
12/ Nên lưu các số hotline của cảnh sát, xe cấp cứu, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật vào một tờ giấy, phòng trường hợp bất trắc có thể gọi hỗ trợ
Nếu vào mùa đông, bạn cần chuẩn bị thêm các loại áo quần giữ ấm, mũ, khăn, găng tay, tất dày, miếng dán giữ nhiệt… Ngoài ra, túi ngủ mùa đông và chăn giữ nhiệt làm bằng giấy nhôm đối phó với những đêm lạnh giá.
Sau khi chuẩn bị xong đồ dùng, bạn cho vào túi/ba lô. Trọng lượng thích hợp nhất bao gồm cả đồ bên trong là 15 kg với nam giới và 10 kg với nữ.
Vị trí để túi đồ khẩn cấp
Nên để ở chỗ có thể dễ dàng lấy vào bất cứ lúc nào, như gần cửa ra vào nhà. Nếu để túi vào tủ hay chỗ khuất, có thể không lấy ra được nếu cửa tủ không mở được.