Cách phòng tránh đột quỵ mùa lạnh ở Nhật Bản

Thời tiết lạnh sâu dưới 10 độ hoặc âm độ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Hiểu rõ về bệnh lý này giúp bạn phòng tránh đột quỵ trong mùa lạnh kéo dài tại Nhật.

Những ngày cuối tháng 11, Nhật Bản đang chuyển mình sang mùa đông. Thời tiết ban ngày ở nhiều nơi chỉ còn vài độ C. Ban đêm, nhiệt độ tiếp tục giảm sâu. Giá rét luồn vào da thịt lạnh buốt.

Giống như hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, anh Hoàng Đức cho biết, dù lạnh đến đâu vẫn chăm chỉ thức dậy mỗi sáng để đến chỗ làm. Công việc giàn giáo càng vất vả lên gấp nhiều lần khi mùa đông đến, làm việc giữa trời lạnh, thậm chí tuyết rơi. Khi được hỏi về cách chăm sóc bản thân bởi công việc ngoài trời dễ gây ốm và nhiều bệnh, nhất là đột quỵ, anh Đức cười xòa “Chăm sóc gì đâu, mình cứ sinh hoạt như bình thường thôi”.

Tâm lý chủ quan của mỗi cá nhân có thể là chất xúc tác để căn bệnh đột quỵ “ghé thăm” bất cứ lúc nào.

Đột quỵ – “sát thủ giấu mặt” trong mùa lạnh

Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Đột quỵ và Bệnh mạch máu não, trong gần 172.000 ca nhập viện do đột quỵ tại Mỹ, phần lớn nguyên nhân do thời tiết trở lạnh, chênh lệch lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời.

Nghiên cứu khác trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu nhận thấy, khi nhiệt độ giảm 2,9 độ C trong 24 giờ, nguy cơ đột quỵ não tăng 11%. Tỉ lệ này tăng lên đối với những người mắc các bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường…

Nguy cơ đột quỵ tăng 80% khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, hoặc vào các ngày chuyển lạnh, nhiệt độ giảm đột ngột gây sốc nhiệt. Trong khi đó, những ngày mùa đông ở Nhật Bản, nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm có thể chênh lệch hàng chục độ. “Sát thủ” đột quỵ luôn tiềm tàng và ngày càng trẻ hóa – xuất hiện ở người trẻ. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dưới 40 tuổi mắc đột quỵ tăng trung bình khoảng 2%/năm, khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18-50 tuổi.

Hiện tượng xuất huyết não gây đột quỵ. Ảnh: NHK
Hiện tượng xuất huyết não gây đột quỵ. Ảnh: NHK

Lý do là bởi thời tiết lạnh làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Điều này khiến cho dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não.

Thêm vào đó, khi trời lạnh, cơ thể có hiện tượng co mạch nhằm đảm bảo cơ thể không mất nước cũng sẽ làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục, tạo thành cục máu đông. Từ đó làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu não.

Khoảng 60-70% bệnh nhân đột quỵ vào nửa đêm hoặc sáng sớm, là các thời điểm nhiệt độ thấp hơn buổi trưa, chiều.

Thời tiết tăng giảm đột ngột ảnh hưởng tới huyết áp. Ảnh: saiseikai
Thời tiết tăng giảm đột ngột ảnh hưởng tới huyết áp. Ảnh: saiseikai

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như cơ thể béo phì, hoặc lười vận động. Hầu hết mọi người thích ăn thực phẩm giàu năng lượng, giàu chất béo vào mùa lạnh, để giữ ấm cơ thể. Nhưng lại lười vận động, cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Mùa lạnh cũng dễ bị viêm phổi và cảm cúm. Các bệnh này có thể gây viêm, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Nhận biết các dấu hiệu đột quỵ

Các dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh có thể dựa theo nguyên tắc F-A-S-T để nhận biết, gồm:

  • F (Face – Khuôn mặt): có dấu hiệu chảy xệ một bên gương mặt, mí mắt sụp xuống. Khi cười, hai bên mặt mất cân đối, méo, lệch sang một bên.
  • A (Arms – Cánh tay): cánh tay yếu đi, tê liệt một bên tay hoặc một bên cơ thể. Không thể cùng lúc nâng hai tay lên qua khỏi đầu, hay nâng thẳng tay. Hoặc có thể nâng hai tay nhưng một tay sẽ rơi xuống ngay lập tức.
  • S (Speech – Lời nói): xuất hiện nói lắp, nói khó hiểu, khó nói hết một câu hoàn chỉnh…
  • T (Time – Thời gian): khi thấy có một hoặc nhiều dấu hiệu giống với mô tả trên, cần ngay lập tức đưa người bệnh cấp cứu kịp thời, hạn chế biến chứng do đột quỵ.
Khi có các dấu hiệu đột quỵ cần gọi ngay cấp cứu. Ảnh: smartdock
Khi có các dấu hiệu đột quỵ cần gọi ngay cấp cứu. Ảnh: smartdock

Ngoài các triệu chứng trên, còn có một số dấu hiệu khác như đau đầu dữ dội, chóng mặt, suy giảm thị lực, mất thăng bằng, gặp khó khăn khi nuốt…

Các chuyên gia khuyến cáo, trong quá trình chờ cấp cứu, không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, có thể khiến tình trạng xuất huyết não nghiêm trọng hơn và làm các biến chứng sẽ càng nặng nề hơn, tăng nguy cơ tử vong. Không chích máu ngón tay người bệnh; không cử động, lắc người bệnh; không cho người bệnh ăn hay uống để tránh sặc… Không nên cạo gió hay nặn chanh vào miệng. Đây là những quan niệm sai lầm, không hỗ trợ cho người bị đột quỵ.

Nên để người bệnh nằm nghiêng một chỗ, nới lỏng quần áo. Ghi lại thời gian người bệnh có dấu hiệu đột quỵ, các triệu chứng của người bệnh để cung cấp cho bác sĩ.

Cách phòng tránh đột quỵ mùa lạnh

Đột quỵ được xem là bệnh lý cấp tính, hay xảy ra đột ngột, gây hậu quả nghiêm trọng như liệt nửa người, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, có thể phòng tránh đột quỵ bằng một số cách sau:

  • Kiểm soát huyết áp, đường huyết, nhất là nếu có tiền sử bệnh tim mạch, có thể sử dụng thuốc chống đông máu. Thường xuyên đo kiểm tra huyết áp.
  • Chế độ ăn lành mạnh. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh.
  • Tránh căng thẳng, stress
  • Nên vận động nhẹ nhàng từ 3-5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng. Thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày.
  • Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để nhiệt độ quá chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời.
Một số biện pháp phòng tránh đột quỵ. Ảnh: noureha
Một số biện pháp phòng tránh đột quỵ. Ảnh: noureha
  • Không tắm khuya và không tắm nước lạnh. Nên tắm nước ấm trên 37 độ C.
  • Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh. Nên đội mũ giữ ấm tai, quàng khăn. Khi tham gia hoạt động thể chất, nên mặc nhiều lớp áo. Khi cơ thể ấm lên sau vận động, có thể cởi bớt áo và mặc vừa đủ giữ ấm cơ thể. Nếu đang hoạt động ngoài trời lạnh, thấy đổ nhiều mồ hôi, nếu sẵn bệnh lý tim mạch thì tốt nhất nên nghỉ ngơi, cởi bớt áo khoác và vào ngay trong nhà.
  • Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến cơ thể cảm tưởng đang ấm hơn, nhưng thực tế nó lại lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan trong cơ thể. Vì thế, người uống rượu không biết cơ thể đang bị mất nhiệt và nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Hi vọng những chia sẻ về đột quỵ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này và có các biện pháp phòng ngừa phù hợp!

Scroll to Top