BOJ giữ nguyên lãi suất, cắt giảm dự báo tăng trưởng

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cắt giảm dự báo tăng trưởng và giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều bất ổn do thuế đối ứng của Mỹ.

BOJ-giu-nguyen-lai-suat

BOJ hạ chỉ số triển vọng nền kinh tế Nhật Bản

Sau gần một tháng Mỹ thông báo sẽ áp dụng mức thuế đối ứng cao kỷ lục lên hàng hóa nhập khẩu, nhiều đối tác thương mại của Mỹ trong đó có Nhật Bản đang chịu những áp lực và ảnh hưởng đáng kể.

Trong hai ngày 30/4 và 1/5/2025, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiến hành cuộc họp chính sách để bàn thảo nhiều vấn đề. Đánh giá triển vọng kinh tế và giá cả, BOJ giảm dự báo tăng trưởng về năm tài chính 2025, từ 1,1% xuống còn 0,5%, tức cắt giảm hơn một nửa. Đồng thời cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP cho năm tài chính 2026 xuống 0,7%, giảm so với mức 1,0% trong báo cáo đưa ra hồi tháng 1. Tuy vậy, BOJ dự báo tăng trưởng GDP cho năm tài chính 2027 vẫn ở mức 1,0%.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda phát biểu tại họp báo: “Thực tế chưa có gì chắc chắn về đối sách, chính sách thương mại của các quốc gia về cuộc chiến thương mại với Mỹ. Chúng ta cũng chưa biết những chính sách đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến xu hướng kinh tế và giá cả ở quy mô toàn cầu”.

Hội đồng chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Ảnh: Asahi Shimbun
Hội đồng chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Ảnh: Asahi Shimbun

Tiếp tục duy trì lãi suất 0,5%

Cũng trong chương trình họp chính sách, Hội đồng BOJ quyết định vẫn duy trì mức lãi suất 0,5%. Hồi tháng 3 năm ngoái, BOJ đã chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng kéo dài 11 năm và dỡ bỏ chính sách lãi suất âm, đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm. BOJ cũng điều chỉnh tăng lãi suất hồi tháng 7/2024 và tháng 1/2025. Tới tháng 3 năm nay, ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất do lo ngại chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Thống đốc Ueda cho rằng, BOJ sẽ tiếp tục tăng dần lãi suất chính sách nếu tình hình kinh tế và giá cả diễn biến theo triển vọng. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ nền kinh tế trong và ngoài nước, biến động giá cả và xu hướng thị trường tài chính, rồi đưa ra quyết định có lợi cho nền kinh tế”.

Các nhà hoạch định chính sách của BOJ vẫn theo sát kết quả đàm phán của Chính phủ về thuế quan với Mỹ. Đồng thời sẽ tăng cường đánh giá tác động của thuế đối ứng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trước khi quyết định có nên tiếp tục tăng lãi suất hay không.

Giảm dự báo lạm phát

Trong báo cáo Triển vọng hoạt động kinh tế và giá cả, BOJ cũng điều chỉnh giảm dự báo lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 2,2% trong năm tài chính 2025, giảm so với mức 2,4% trong báo cáo hồi tháng 1; và ở mức 1,7% trong năm tài chính 2026, giảm so với mức 2,0% cũng trong báo cáo tháng 1/2025. Ngoài ra, BOJ dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ khoảng 1,9% cho năm tài chính 2027.

Ông Ueda thừa nhận, những dự báo có thể sai lệch một chút so với ước tính thông thường của BOJ, bởi nguyên nhân do sự bất ổn từ các chính sách của Mỹ.

Trong báo cáo, mục tiêu ổn định giá cả 2% mà BOJ gọi là “lạm phát CPI cơ bản”, không tính đến giá nhập khẩu tăng và các yếu tố tạm thời khác, sẽ có khả năng đạt được trong nửa cuối của giai đoạn ba năm (cho đến năm tài chính 2027). Mục tiêu này lùi thời gian khoảng một năm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1. Về tốc độ tăng trưởng CPI đạt 2% hoặc cao hơn trong ba năm, BOJ nhận định lạm phát CPI cơ bản vẫn chưa đạt đến mức đó.

Giới truyền thông nhận định, BOJ đang hướng tới mục tiêu đạt được chu kỳ tăng trưởng lành mạnh về giá cả và tiền lương. Theo số liệu của Bộ Nội vụ công bố ngày 25/ 4, CPI tháng 4 của 23 quận trung tâm Tokyo đã tăng mạnh 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dịch vụ, vốn có mối liên hệ chặt chẽ với tiền lương, đã tăng 2,0%, so với mức 0,8% hồi tháng 3.

Trong cuộc đàm phán lương (shunto) mùa xuân năm nay, các công ty đã đồng ý tăng lương cho nhân viên trung bình 5,37%, vượt mốc 5% trong năm thứ hai liên tiếp. Mức tăng lương trung bình là 4,97% trong các công ty vừa và nhỏ.

Đồng yên giảm sau công bố giữ nguyên lãi suất

Sau kết quả cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của BOJ, lựa chọn duy trì chính sách tiền tệ hiện tại đã khiến đồng tiền Nhật Bản trên đà giảm so với đồng USD. Giao dịch yên Nhật ở mức trên 144 yên đổi 1 USD.

Đồng yên giảm sau khi BOJ giữ nguyên lãi suất. Ảnh: Nikkei
Đồng yên giảm sau khi BOJ giữ nguyên lãi suất. Ảnh: Nikkei

Các nhà phân tích nhận định, việc BOJ hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát khiến các nhà đầu tư tăng bán đồng yên. Bởi họ suy đoán BOJ sẽ gặp khó trong việc tăng lãi suất trong năm nay và thời điểm tăng lãi suất tiếp theo sẽ muộn hơn dự kiến.

Scroll to Top