Bí kíp kiểm soát chi tiêu khi nghiện mua sắm

Sức hút của giảm giá, bão sale trên Amazon, Rakuten và các cửa hàng, siêu thị, khiến nhiều bạn nghiện mua sắm, chi tiêu “vung tay quá trán”.

Thúy Quỳnh, 20 tuổi, một du học sinh tại Chiba trở thành tín đồ trung thành trong vài hội nhóm săn sale tại Nhật với hàng chục nghìn thành viên. Các nhóm này thường xuyên chia sẻ những mặt hàng giảm giá hấp dẫn trên sàn trang thương mại điện tử như Amazon, Rakuten. Từ mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng cho tới các thiết bị điện tử như máy sấy tóc, nồi cơm, lò sưởi… “Gi gỉ gì gi thứ gì cũng sale”.

Quỳnh cho biết, ngày nào cũng vào nhóm khi có thời gian rảnh. “Thấy món gì hay hay là em mua ngay. Cảm thấy giá sale rồi, không mua sau lại tiếc”, Quỳnh nói.

Tâm lý sợ hụt món hàng giảm giá của người tiêu dùng được các nhà bán hàng khai thác triệt để, khiến các khách hàng như Thúy Quỳnh sẵn sàng rút hầu bao. “Trước đây, em ít mua sắm hơn, mỗi tháng tiết kiệm được vài man từ tiền đi làm baito. Nhưng giờ tháng nào cũng sạch nhẵn. Nhìn những bộ quần áo hay đồ dùng còn nguyên tem mác hoặc hiếm khi sử dụng, cũng nhiều lúc em tự dằn lòng phải tiêu tiết kiệm lại. Mà chưa biết làm cách nào. Cứ thấy sale lại muốn mua”, Quỳnh bộc bạch.

Các chương trình giảm giá khiến nhiều người không thể cưỡng lại nhu cầu mua sắm. Ảnh: Artem Beliaikin

Để thiết lập thói quen chi tiêu lành mạnh, bạn cần lên kế hoạch chi tiết.

Không mua sắm xuyên tuần

Thói quen mua sắm bất cứ thời điểm nào khiến không thể kiểm soát chi tiêu. Do đó, bạn có thể chọn ra một vài ngày cố định trong tuần cho việc mua sắm. Ví dụ, đi siêu thị vào ngày thứ Bảy, chỉ đi ăn ngoài với đồng nghiệp vào thứ Tư, hoặc chỉ đi cà phê với bạn bè vào tối thứ Sáu.

Ngoài ra, không vội quyết định mua một món hàng có giá cao mà không qua một đêm suy nghĩ, hoặc chờ đến ngày được chỉ định mua hàng (như cuối tuần). Lúc này, bạn đã có sự cân nhắc kỹ càng trước khi mua món hàng đó.

Cẩn thận với thẻ tín dụng

Với đặc điểm có thể quẹt thẻ dễ dàng để giao dịch, thanh toán trực tuyến, chuyển đổi trả góp… thẻ tín dụng đang được nhiều bạn trẻ sử dụng. Tuy nhiên, nó cũng trở thành con dao hai lưỡi khiến bạn dễ chi tiêu quá đà. Chưa kể, nếu quên ngày thanh toán thẻ, dẫn đến tình trạng nợ quá hạn, bạn sẽ bị tính lãi và phát sinh thêm phí chậm trả.

Các loại thẻ tín dụng khiến bạn “vô tư” mua sắm nhiều hơn. Ảnh: Cardmapr

Tạo ra giới hạn trong việc chi tiêu

Thay vì rút thật nhiều tiền mặt và sẵn sàng mua thỏa thích mọi món đồ thấy hứng thú, bạn có thể tạo ra quỹ chi tiêu hàng tháng bằng cách chia tiền vào một số phong bì, bên ngoài ghi rõ mục đích chi tiêu.

Ví dụ, 1 phong bì cho các chi phí cố định như tiền thuê nhà, chi phí điện, nước, mạng Internet; 1 phong bì cho khoản tiền tiết kiệm cố định; 1 phong bì sử dụng cho tiền mua sắm đồ ăn và vật phẩm thiết yếu như giấy ăn, dầu gội, nước giặt; phong bì khác là dành cho chi tiêu cá nhân như quần áo, mỹ phẩm. Đây là khoản chi tiêu dễ bội chi nhất nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ.

Cách làm này được chị Mai Vân ở Tokyo thực hiện trong nửa năm nay. “Sau khi hai vợ chồng nhận lương, việc đầu tiên là gửi một khoản tiền cố định là tiền tiết kiệm hàng tháng qua app DCOM. Sau 10 phút tiền lập tức được gửi về tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Luôn có một khoản tiết kiệm để đảm bảo ổn định cuộc sống, phòng ngừa bất trắc. Tiếp đó, mình sẽ chia ra các phong bì ghi tên các khoản chi tiêu khác nhau. Sau 6 tháng nay, mình thống kê thấy mức tổng chi tiêu đã giảm. Cách làm này có thể hạn chế mua những món đồ vô bổ, lãng phí”, chị Vân nói.

Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có những lựa chọn phù hợp để quản lý chi tiêu hiệu quả hơn.

Scroll to Top