Tờ Asahi Shimbun cho biết, ông Yasuo Yabuki – chuyên gia Xã hội học, giảng viên tại Đại học Chukyo, Nhật Bản, đã tiến hành nghiên cứu về cách những bức ảnh dán trên sơ yếu lý lịch tác động như thế nào đến quyết định tuyển dụng.
Trước khi thực hiện nghiên cứu, ông Yabuki vốn nghĩ rằng ảnh chụp không có giá trị nhiều trong sơ yếu lý lịch.
Trong nghiên cứu này, ông Yabuki khảo sát 818 nhân viên nhân sự (HR) thuộc nhiều doanh nghiệp. Khảo sát thực hiện trực tuyến sẽ cung cấp 8 bản sơ yếu lý lịch giả định cho các nhân viên HR này và yêu cầu họ đánh giá cơ hội vượt qua vòng sàng lọc lý lịch của từng ứng viên theo thang điểm từ 1-10.
Trong 8 bản sơ yếu lý lịch có 8 bức ảnh ứng viên. Để có 8 bức ảnh này, ông Yabuki đã chọn ảnh từ 134 sinh viên ĐH Rikkyo – những người đã sử dụng các tấm ảnh trong quá trình tìm kiếm việc làm. Sau đó, ông chọn ra 6 khuôn mặt điển hình cho cả nam và nữ. Tiếp theo, ông thêm các đặc điểm như đeo kính, tóc nhuộm nâu, béo phì, áp dụng cho cả hai giới. Thêm vết bớt, tóc hói cho ảnh nam và thêm mí mắt sụp, vết chàm cho ảnh nữ.
Ngoài ra, điểm học tập, bằng cấp và phần giới thiệu bản thân của ứng viên được phân bổ ngẫu nhiên.
Kết quả gây bất ngờ
Kết quả cho thấy: những người đàn ông bị hói tóc nhận được đánh giá thấp nhất, tiếp theo là phụ nữ thừa cân/béo phì, đàn ông nhuộm tóc và đàn ông có vết bớt.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự thiên vị giới tính: đàn ông nhuộm tóc nâu được đánh giá thấp hơn phụ nữ có cùng đặc điểm; phụ nữ thừa cân được đánh giá thấp hơn đàn ông thừa cân.
Ông Yabuki cho rằng, sự thiên vị giới tính này phản ánh chuẩn mực xã hội Nhật Bản. Ví dụ như người Nhật coi phụ nữ nhuộm tóc tại nơi làm việc là điều hiển nhiên, nhưng với đàn ông lại là điều khó chấp nhận. Ông lấy dẫn chứng về tờ rơi tuyển dụng tại các cửa hàng trong trường đại học, thường chụp người mẫu nữ nhuộm tóc nâu trong khi người mẫu nam vẫn giữ tóc đen.
“Ở Nhật Bản, có rất ít nghiên cứu về việc ngoại hình ảnh hưởng thế nào đến việc tìm kiếm việc làm. Vì vậy tôi nghĩ những kết quả này rất có giá trị”, vị chuyên gia nhận định.
Là một chuyên gia Xã hội học, ông Yabuki mong muốn nghiên cứu này giúp ích cho xã hội dần gỡ bỏ thành kiến liên quan đến ảnh sơ yếu lý lịch trong tuyển dụng.
Năm 2020, ông từng gửi một bản kiến nghị xóa phần ảnh khỏi sơ yếu lý lịch và trước đó kêu gọi xóa bỏ mục giới tính. Sau đó, Bộ Lao động đã ban hành mẫu sơ yếu lý lịch vào năm 2021 trong đó loại bỏ phần giới tính, nhưng vẫn giữ nguyên yêu cầu về ảnh.
Ngành nghề ảnh hưởng tới quyết định tuyển dụng khi xem ảnh sơ yếu lý lịch
Trong nghiên cứu trên của ông Yabuki, hầu hết nhân viên nhân sự tham gia đều là nam giới ở độ tuổi 50 và 60. Yabuki cho biết, vẫn chưa có phân tích nào được thực hiện để xác định xu hướng theo giới tính hoặc nhóm tuổi.
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra: những người làm việc trong các ngành như tài chính, bảo hiểm và bất động sản có xu hướng bị ảnh hưởng bởi ảnh của ứng viên nhiều hơn so với các lĩnh vực khác. “Mọi người có xu hướng chọn những người giống mình”.
Theo ông, ấn tượng của một bức ảnh thường có thể khác biệt đáng kể so với ngoại hình thực tế, do khác biệt ánh sáng và hiệu ứng chỉnh sửa.
“Có nhiều cách để xác minh danh tính của ứng viên, vì vậy tôi không nghĩ rằng ảnh là cần thiết cho quá trình kiểm tra sơ yếu lý lịch”, Yabuki cho biết. “Trên thực tế, nếu việc có ảnh cản trở hoạt động tuyển dụng công bằng, thì việc xóa ảnh thực sự có thể thúc đẩy quá trình tuyển chọn công bằng hơn”.
Ông lấy ví dụ về kỳ thi tuyển sinh Đại học, người chấm thi không biết tên hoặc ngoại hình của học sinh, giúp giảm thiểu sự thiên vị không cần thiết.
Ông đề xuất không cần phải có ảnh trên sơ yếu lý lịch. Hoặc nếu có ảnh, người xử lý hồ sơ xin việc phải tách biệt với những người chịu trách nhiệm quyết định tuyển dụng và những người này không được xem ảnh ứng viên. “Yêu cầu nộp ảnh có thể là bất lợi cho các công ty, có thể khiến họ bỏ lỡ những ứng viên tài năng chỉ vì ngoại hình, hoặc ngược lại, tuyển dụng một người không đủ tiêu chuẩn chỉ vì ngoại hình”, Yabuki nói.
Sinh viên nghĩ gì về ảnh sơ yếu lý lịch?
Trước khi thực hiện nghiên cứu này, ông Yabuki đã khảo sát sinh viên. Kết quả cho thấy, hầu hết sinh viên không nắm được ảnh sơ yếu lý lịch có ảnh hưởng tới kết quả tuyển dụng hay không. Mà quan tâm tới phí chụp ảnh. Hiện giá chụp ảnh sơ yếu lý lịch tại studio mất khoảng 10,000 yên.
Đồng thời, sinh viên lo lắng rằng việc không đưa ảnh vào hồ sơ có thể khiến họ gặp bất lợi. Trong hàng nghìn người nộp đơn vào một công ty, dù yêu cầu không bắt buộc phải nộp ảnh, nhưng chưa đến 10 ứng viên chọn không dán ảnh sơ yếu lý lịch.
“Họ nghĩ tốt hơn là nên gửi kèm một bức ảnh, cho an toàn. Giống như được bảo rằng ‘không có quy định về trang phục’, nhưng thực tế sẽ không ai đi phỏng vấn mặc quần jeans”, ông Yabuki nói.
Bản thân ông Yabuki mắc bệnh bạch tạng, nhưng ông cho rằng ảnh chụp hiếm gây bất lợi khi ông đi tìm việc. Ông từng cố tình sử dụng hình ảnh mình đeo kính râm y tế dán vào sơ yếu lý lịch ứng tuyển vị trí giảng viên bán thời gian tại trường ĐH. Do căn bệnh bệnh tạng khiến ông nhạy cảm với ánh sáng, phải đeo kính này hàng ngày. Trường đã yêu cầu ông gửi lại một bức ảnh không đeo kính râm và sử dụng ảnh đó làm thẻ giảng viên.
Theo ông, dù có nhiều làn sóng phản đối chủ nghĩa ngoại hình ngày càng gia tăng, thì các quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ vẫn đang xuất hiện dày đặc trên tàu và nơi công cộng. Trong khi quan điểm chung của xã hội vẫn chưa rõ ràng, Yabuki hi vọng nghiên cứu của ông sẽ góp phần xóa bỏ yêu cầu phải có ảnh trong sơ yếu lý lịch.