6 cách đón lễ Thất tịch Tanabata đúng truyền thống Nhật Bản

Từ những ngày cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những cành tre treo những mẩu giấy nhỏ nhiều màu sắc, ghi lời cầu nguyện, một điều ước, cùng các món đồ trang trí dễ thương. Đây chính là lúc ngày lễ Thất tịch, hay lễ hội Tanabata đang đến gần.

lễ Thất tịch Tanabata

Tanabata (七夕) còn được gọi là ngày lễ Thất tịch của Nhật Bản, đã có lịch sử lâu đời, diễn ra vào mùng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm. Từ năm 1872, Nhật Bản chuyển sang sử dụng Dương lịch (lịch Gregory), do vậy mà lễ hội Tanabata được dời sang ngày 7/7 dương lịch. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang ý nghĩa văn hóa sâu rộng đối với người dân đất nước mặt trời mọc. Lễ hội này cũng có nhiều nét tương đồng với câu chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ và ngày lễ Thất tịch của Trung Quốc, song vẫn giữ được những nét riêng gắn với văn hóa Nhật.

Cứ đến ngày Thất tịch, trời thường mưa mát mẻ, xua tan cái nóng mùa hè. Tương truyền, những cơn mưa này là giọt nước mắt của tiên nữ Orihime và chàng chăn bò Hikoboshi khi cả hai được gặp lại nhau sau một năm dài xa cách.

Ở mỗi vùng Nhật Bản có những khác biệt nhất định về phong tục, văn hóa, nếp sống, do vậy lễ hội Tanabata Matsuri được biến tấu với những màu sắc riêng. Thế nhưng nhìn chung trong dịp lễ đặc biệt này, người Nhật thường sẽ cầu nguyện, hy vọng ước muốn sẽ trở thành hiện thực, thông qua những cách đón lễ Thất tịch như dưới đây:

1/ Tanzaku

Điểm đặc trưng dễ dàng nhìn thấy trong lễ hội Tanabata Matsuri đó chính là những mẩu giấy ngũ sắc Tanzaku (短冊) được treo lên cành tre tại các đền thờ, nhà ga, công viên, trường học, các địa điểm công cộng… Những mẩu giấy này chỉ có 5 màu sắc, gồm hồng, vàng, trắng, đen và xanh lục, tương ứng với thuyết âm dương ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, đồng thời đại diện cho 5 đức tính của con người là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Bạn có thể lựa chọn mẩu giấy có màu sắc phù hợp với tính cách hoặc bản mệnh, rồi ghi vào đó những điều ước, lời cầu nguyện của mình. Sau khi lễ hội kết thúc, cây tre cùng với những món đồ này sẽ được đưa lên thuyền trôi sông hoặc đốt.

Cây tre treo giấy ngũ sắc trong lễ Thất tịch Tanaba. Ảnh: kabuki-za
Cây tre treo giấy ngũ sắc trong lễ Thất tịch Tanaba. Ảnh: kabuki-za

Bên cạnh việc ghi điều ước lên giấy, nhiều người cũng đến các đền thờ vào ngày lễ Thất tịch để cầu mong sẽ tìm được ý chung nhân.

Truyền thuyết kể rằng, tiên nữ Orihime và chàng chăn bò Hikoboshi rất vui mừng khi nhìn thấy những điều ước trên giấy ngũ sắc Tanzaku và sẽ bày tỏ lòng biết ơn bằng cách đáp ứng điều ước của người nguyện cầu.

2/ Gấp giấy Origami

Trong ngày lễ Thất tịch, người Nhật còn làm nhiều đồ thủ công truyền thống bằng origami, trong đó có gấp hạc giấy Orizuru (折鶴). Đây là một trong những món đồ trang trí nổi bật và không thể thiếu trong ngày lễ Thất tịch của Nhật Bản. Con hạc tượng trưng cho sự trường thọ, sức sống mạnh mẽ và may mắn, nên việc gấp hạc giấy mang ý nghĩa mong ước có được sức khỏe tốt, dẻo dai và mạnh mẽ để đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Người Nhật sẽ gấp hạc rồi treo trên cây tre hoặc treo hạc thành những chùm dài.

Ngoài ra, người Nhật gấp Kinchaku (巾着) là chiếc túi đựng tiền được gấp bằng giấy Origami, trang trí trong lễ hội Tanabata để cầu mong sự may mắn, thuận lợi trong công việc, nhất là người làm kinh doanh, buôn bán.

Một số loại Origami trong lễ Thất tịch Tanabata như hạc giấy Orizuru,  túi Kinchaku, Kamiko hay Toami... Ảnh: sendaitanabata
Một số loại Origami trong lễ Thất tịch Tanabata như hạc giấy Orizuru, túi Kinchaku, Kamiko hay Toami… Ảnh: sendaitanabata

Kamiko là búp bê giấy mặc áo Kimono hoặc là chiếc áo Kimono được gấp từ giấy Origami. Trong ngày lễ Thất tịch, Kamiko mang nhiều ý nghĩa như mong ước cho ngành dệt may phát triển và người Nhật còn tin rằng búp bê Kamiko sẽ giúp con người gánh chịu bệnh tật hoặc những điều không may.

Trong ngày lễ Thất tịch tại Nhật Bản còn có Toami, là những chiếc lưới đánh cá bằng giấy, thể hiện mong ước của các ngư dân và cảm ơn đến biển cả đã mang đến nguồn sống dồi dào.

3/ Fukinagashi

Fukinagashi (吹き流し) là những cột giấy khổng lồ, biểu tượng cho những sợi chỉ mà tiên nữ Orihime sử dụng để dệt vải. Cột giấy này có kích thước lớn, với phần bên trên là một quả bóng giấy rất to, bên dưới là những dải giấy rủ rất dài, nhiều màu sắc và được trang trí họa tiết đẹp mắt như hoa, lá, các con vật ngộ nghĩnh… Trong lễ hội Tanabata Matsuri, cột giấy Fukinagashi còn mang ý nghĩa cầu mong cho ngành dệt may phát triển bền vững.

Cột giấy Fukinagashi trong ngày lễ Thất tịch Tanabata. Ảnh: photohito

Những cột giấy Fukinagashi khổng lồ và trông cực kỳ ấn tượng luôn thu hút nhiều người tới chụp ảnh. Bạn hãy tới ghi lại kỷ niệm trong ngày lễ Thất tịch nhé!

4/ Thả đèn lồng

Trong những năm gần đây, nhiều địa phương tổ chức lễ thả đèn lồng trong ngày hội Tanabata. Những chiếc đèn lồng thắp sáng mang theo những điều ước sẽ bay lên trên bầu trời đêm hoặc được thả xuống các con sông.

Tham gia thả đèn lồng trong ngày lễ Thất tịch Tanabata cũng là trải nghiệm thú vị. Ảnh: Cinderellafit
Tham gia thả đèn lồng trong ngày lễ Thất tịch Tanabata cũng là trải nghiệm thú vị. Ảnh: Cinderellafit

Tại lễ hội đèn lồng thuộc Tanabata Matsuri tổ chức tại Tokyo và Fukuoka, bạn có thể thả đèn lồng lên trời trong tháng 7 và tháng 8. Tại khu vực sông Okawa ở Osaka, vào ngày 7/7 sẽ diễn ra sự kiện Reiwa Osaka Legends of the Milky Way, thả hàng chục nghìn đèn lồng (gắn đèn LED) xuống dòng sông.

5/ Thưởng thức Somen trong ngày lễ Tanabata

Somen là món ăn phổ biến và nổi bật trong lễ Thất tịch Tanabata, gợi lên hình ảnh Dải Ngân Hà thông qua những sợi mì dài mềm mại, cũng như sự khéo léo của tiên nữ Orihime khi dệt vải. Người Nhật thích trang trí bát mỳ somen với các món ăn tạo hình ngôi sao.

Somen trang trí theo chủ đề dải Ngân Hà cho ngày lễ Thất tịch Tanabata. Ảnh: hakata-hisamatsu
Somen trang trí theo chủ đề dải Ngân Hà cho ngày lễ Thất tịch Tanabata. Ảnh: hakata-hisamatsu

6/ Ngắm sao

Nếu bầu trời quang đãng vào đêm Thất tịch Tanabata, hãy tận dụng cơ hội này để ra ngoài ngắm sao. Tìm một nơi yên tĩnh như khoảng sân sau nhà, công viên hay ban công, mang theo một ít đồ ăn nhẹ và đồ uống để biến chuyến đi chơi trở nên thú vị hơn. Ngoài ra, hãy thử tìm ra ngôi sao Orihime (Vega) và ngôi sao Hikoboshi (Altair), hai ngôi sao sáng được cho là sẽ “đoàn tụ” trên dải Ngân Hà vào đêm đặc biệt này.

Chúc bạn có những trải nghiệm thú vị trong ngày lễ Thất tịch Tanabata tại Nhật Bản!

Scroll to Top