9 lưu ý trước khi nuôi thú cưng ở Nhật

Nuôi các loại thú cưng ở Việt Nam khá dễ dàng, không cần phải đăng ký hay mua bảo hiểm cho chúng. Nhưng tại Nhật Bản, có rất nhiều quy định về việc nuôi thú cưng. Trước khi quyết định nuôi chó mèo hay một loài vật nào, bạn nên ghi nhớ những lưu ý dưới đây.

1/ Nghĩ thật kỹ xem nuôi thú cưng có phù hợp với bạn không?

Trước khi vội vã quyết định nuôi thú cưng, bạn nên cân nhắc xem liệu chúng có phù hợp với lối sống và kế hoạch dài hạn của bạn không. Bởi khi nuôi một chú chó hay một bạn mèo, bạn cần dành nhiều công sức và thời gian chăm sóc cho chúng. Chưa kể là việc nuôi chúng cũng tốn một khoản tiền mỗi tháng gồm đồ ăn, thăm khám thú y, tiêm phòng… Bạn cũng cần thường xuyên dắt chúng đi dạo. Nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy nuôi thú cưng chẳng khác nào đang nuôi “con mọn”, chăm sóc một em bé.

2/ Nhận nuôi từ trại cứu hộ động vật hay từ cửa hàng thú cưng?

Ở Nhật Bản, các cửa hàng thú cưng rất phổ biến. Chúng thường bị nhốt trong những chiếc lồng nhỏ. Bạn cũng có thể nhận nuôi từ một trại cứu hộ động vật ở địa phương hoặc các tổ chức phi lợi nhuận (NPO) muốn tìm một ngôi nhà yêu thương dành cho các chú chó mèo bị bỏ rơi.

Một số tổ chức trên khắp Nhật Bản chuyên giải cứu và nhận nuôi thú cưng như:

  • Japan Cat Network: tổ chức phi lợi nhuận cứu hộ mèo (cùng số ít chó) và giúp tìm người nhận nuôi dưỡng cho chúng. Đơn vị này có các chi nhánh tại Kyoto, Fukushima và Shiga.
  • ARK (Animal Refuge Kansai): một trong những tổ chức cứu hộ động vật lớn nhất và nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Tổ chức này tập trung tìm nhà mới cho mèo, chó và các loài động vật khác. ARK hoạt động tại Tokyo, Osaka.
  • Heart Tokushima: tổ chức phi lợi nhuận giúp tìm nhà mới cho những vật nuôi bị bỏ rơi hoặc bị ngược đãi.

Ngoài ra, nhiều phòng khám thú y địa phương cũng đồng thời là trung tâm nhận nuôi chó mèo bị bỏ rơi. Bạn có thể hỏi họ để được nhận nuôi.

3/ Tìm căn hộ cho phép nuôi thú cưng

Điều quan trọng tiếp theo trước khi nhận nuôi một bé thú cưng, là bạn phải tìm được căn hộ cho phép nuôi thú cưng ở Nhật Bản. Đây có thể là thách thức không nhỏ, vì nhiều chủ nhà không cho phép người thuê được nuôi thú cưng. Những căn hộ cho phép nuôi thú cưng, thường có giá thuê cao hơn hoặc tiền đặt cọc lớn hơn bình thường.

Lưu ý là đừng cố lén nuôi thú cưng trong nhà mà không nói với chủ nhà, vì nếu bị phát hiện, bạn có thể bị chủ nhà chấm dứt hợp đồng.

4/ Hạn chế về không gian

Nhà ở Nhật Bản, nhất là ở khu vực thành thị, có diện tích nhỏ hơn so với các quốc gia khác. Căn hộ một phòng ngủ trung bình ở Tokyo thường rộng 23-25 m2. Vì vậy nếu bạn nuôi thú cưng, cần đánh giá xem không gian sống của bạn có đủ thoải mái cho chúng không.

Nếu không gian sống quá hẹp sẽ không thoải mái để nuôi thú cưng. Ảnh: aeonpet
Nếu không gian sống quá hẹp sẽ không thoải mái để nuôi thú cưng. Ảnh: aeonpet

5/ Lưu ý về tiếng ồn

Chắc bạn cũng biết, khiếu nại về tiếng ồn của hàng xóm rất phổ biến ở Nhật Bản. Do các ngôi nhà thường xây tường mỏng và hàng xóm san sát nhau. Nếu bạn đang cân nhắc nuôi thú cưng, đặc biệt là một chú chó, thì tiếng sủa của nó có thể gây phiền nhiễu tới hàng xóm xung quanh.

6/ Chăm sóc thú y và bảo hiểm vật nuôi

Chi phí chăm sóc thú y ở Nhật Bản gồm tiêm phòng, kiểm tra sức khỏe định kỳ và các trường hợp bệnh khẩn cấp, thường khá tốn kém. Bạn cần phải lập kế hoạch cho việc này như một phần trong quá trình chăm sóc cho thú cưng.

Bạn có thể đăng ký tham gia bảo hiểm thú cưng để bù đắp những chi phí này. Bảo hiểm thú cưng ở Nhật Bản tương đối rẻ, tùy thuộc vào mỗi con vật và độ tuổi của chúng. Thông thường, chi phí bảo hiểm thú cưng khoảng 10,000 yên/năm. Tuy nhiên, lưu ý là loại bảo hiểm này thường không chi trả cho việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và tiêm phòng.

7/ Đăng ký vật nuôi và gắn vi mạch

Ở Nhật Bản, việc đăng ký nuôi chó là bắt buộc theo luật định và phải được thực hiện tại văn phòng hành chính địa phương khi chó được hơn 90 ngày tuổi (mèo thì không bắt buộc). Quy trình đăng ký tốn 3,000 yên và sẽ được cấp thẻ nhận dạng bắt buộc đeo cho chó mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, chó bắt buộc phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại hàng năm, với chi phí từ 3,000-5,000 yên.

Luật pháp Nhật Bản cũng yêu cầu những nhân giống và cửa hàng thú cưng phải gắn vi mạch cho tất cả chó và mèo trước khi bán. Việc cấy vi mạch giúp nhận dạng vật nuôi và có giá từ 5,000-10,000 yên.

8/ Chi phí hàng tháng

Mức phí này trung bình khoảng 4,000-5,000 yên cho các loại thức ăn và vật dụng (cát vệ sinh cho mèo, đồ chơi…). Ngoài ra, bạn cần lập quỹ khẩn cấp dành cho các chi phí thú y như khi thú cưng của bạn bị bệnh.

Một quầy sản phẩm đồ cho chó mèo. Ảnh: Business Insider Japan
Một quầy đồ cho chó mèo. Ảnh: Business Insider Japan

9/ Dịch vụ trông giữ và chăm sóc thú cưng ban ngày

Nếu bạn thường xuyên đi công tác hoặc làm thêm giờ tới tối muộn, bạn cần cân nhắc cách quản lý chúng trong thời gian bạn vắng mặt. Ở Nhật Bản có nhiều dịch vụ trông giữ và chăm sóc thú cưng, với giá cả và chất lượng khác nhau. Đối với dịch vụ nội trú, giá trung bình 3,000-10,000 yên/ngày, tùy thuộc vào cơ sở, địa điểm và mức độ chăm sóc.

Hi vọng những chia sẻ về các lưu ý trước khi nuôi thú cưng ở Nhật Bản sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Scroll to Top