Theo anh Nguyễn Đức Hiếu, sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở Nagoya, khi còn học trường tiếng, giáo viên có thể dịch giúp bảng điểm, hỗ trợ luyện phỏng vấn và giúp bạn đăng ký thi tuyển Cao đẳng/Đại học… Nhưng thường họ khó có thể cung cấp đầy đủ thông tin về các trường Đại học cho bạn. Vì thế, khi gần kết thúc thời gian học tại trường tiếng, anh Hiếu và các bạn trong lớp phải chủ động tìm hiểu thông tin các trường, ngành học, chi phí…
Anh Hiếu chia sẻ 4 cách giúp bạn chọn trường Đại học tốt và phù hợp với bản thân.
1/ Trang JPSS (Japan Study Support)
Link trang: https://www.jpss.jp/vi/
Website này cung cấp thông tin khá chi tiết các trường đại học công lập và tư thục ở Nhật Bản, gồm lịch sử của trường, học phí, ngành học nổi bật, điều kiện thi tuyển… Đồng thời luôn cập nhật những thông tin mới nhất của từng trường khá chính xác.
Bạn có thể tìm kiếm theo tên trường (nếu đã chọn được trường và muốn biết thêm thông tin), hoặc bạn dùng bộ lọc theo vùng như Tokyo, Osaka, Nagoya…
Nếu bạn lo lắng tiếng Nhật chưa đủ tốt để đọc được thông tin thì cứ yên tâm, vì trang web này có nút chọn ngôn ngữ tiếng Việt.
2/ Trang Minkou (皆の高校情報)
Link trang: https://www.minkou.jp/
Nếu bạn đã chọn được vài trường, nhưng lại không dễ dàng tìm gặp được một senpai nào đó đang học tại trường để nghe lời khuyên và bình luận thực tế. Hoặc bạn bận rộn, không đủ thời gian để đi Open Campus ở trường, nhưng vẫn muốn biết môi trường học có những ưu, khuyết điểm gì?
Trang web này sẽ là công cụ hữu ích cho bạn để lắng nghe những cảm nhận thực sự của các senpai trong trường.
Website cho phép mọi người đánh giá khách quan về mọi mặt của ngôi trường họ đang theo học bằng cách chia bậc từ 1 sao đến 5 sao. Các tiêu chí đánh giá gồm: tiết học; công trình nghiên cứu và kỳ thi; tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp hoặc học lên cao; vị trí (xa/gần ga); trang thiết bị, cơ sở vật chất; môi trường bạn bè; cuộc sống sinh hoạt, hoạt động của sinh viên. Từ đó, bạn sẽ có cái nhìn khách quan nhất về ngôi trường.
3/ Tạp chí Self Brand SELF
Nếu trình độ tiếng Nhật của bạn khá ổn, thử đọc quyển tạp chí này, nơi thống kê đầy đủ và mới nhất về các trường đại học đã được kiểm định chất lượng trên toàn quốc. Thậm chí bạn có thể lấy 出願書 (phiếu nguyện vọng) miễn phí giao tận nhà chỉ với vài thao tác đơn giản. Tuy nhiên thời gian chờ lấy phiếu này hơi lâu, có thể trên dưới 1 tháng.
4/ Đến trường dự buổi Open Campus
Khi đến trường dự buổi Open Campus, bạn sẽ có trải nghiệm của chính mình rằng liệu trường Đại học này có thật sự phù hợp hay không? Cũng tại buổi này, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ các senpai, thầy cô và được họ giải đáp hết mọi thắc mắc. Thông thường các trường Đại học thường tổ chức Open Campus từ sau mùa hè.
Lời khuyên của anh Nguyễn Đức Hiếu cũng lưu ý các bạn nên cân nhắc về trình độ tiếng Nhật của bản thân trước khi lựa chọn học Đại học ở Nhật. Nếu trình độ N3, bạn có thể thoải mái đối thoại hằng ngày, dễ dàng xin việc làm thêm. Thế nhưng, tiếng Nhật N3 sẽ khó khăn cho bạn để học tại môi trường học thuật ở Nhật. Thậm chí có nhiều người đã lấy được N2 vẫn chật vật với những tiết học trên giảng đường.
Ngoài ra, anh Hiếu chia sẻ thêm, bạn nên xác định rõ ngành nghề mình muốn theo học để dễ lọc trường hơn.
“Hiểu bản thân muốn học ngành gì và tương lai sẽ làm công việc gì giúp bạn thể hiện tốt trong viết bài luận cho nhà trường lúc ứng tuyển hoặc phỏng vấn. Cũng như mở ra con đường sự nghiệp thuận lợi hơn trong tương lai”, anh nói.