Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Tranh cãi về chính sách “thu hồi thị thực người visa vĩnh trú nợ thuế”

Thường trú nhân là các cá nhân có thị thực thường trú, nhưng không mang quốc tịch của quốc gia thường trú và thường được gọi thông dụng là visa vĩnh trú. Tại Nhật Bản, người có visa vĩnh trú được hưởng đầy đủ các quyền lợi như quyền định cư, sinh sống, học tập, làm việc, kinh doanh… Để có được tư cách lưu trú này, thông thường cần đáp ứng các điều kiện như sống và làm việc tại Nhật trong 10 năm, có thu nhập nhất định và phải trải qua quá trình sàng lọc hồ sơ khắt khe.

Từ tháng 6/2024, luật nhập cư đã sửa đổi, trong đó nếu người visa vĩnh trú nợ thuế có thể bị thu hồi tư cách lưu trú.

Hôm 24/11, tờ Mainichi có bài viết xung quanh những tranh cãi về chính sách này.

Luật mới khiến thường trú nhân bất an

Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật đã và đang trải qua nhiều thách thức, một bộ phận thường trú nhân cũng điêu đứng bởi tình hình công việc xấu đi, thu nhập giảm sút hoặc sức khỏe có vấn đề, khiến họ không có khả năng trả phí bảo hiểm xã hội hoặc nợ đóng thuế. Từ tháng 6/2024, luật nhập cư sửa đổi có thể thu hồi tư cách visa vĩnh trú của họ.

Theo Cơ quan Dịch vụ Di trú Nhật Bản, tính đến cuối tháng 6 năm nay, trong số 3,59 triệu người nước ngoài thường trú tại quốc gia này, có khoảng 900.000 người mang visa vĩnh trú. Nhiều người sinh ra và lớn lên ở Nhật, chỉ nói duy nhất tiếng Nhật. Tờ Mainichi cho rằng, luật mới áp dụng chung cho cả nhóm này sẽ là “mối đe dọa” ảnh hưởng tới nhân quyền.

Thẻ ngoại kiều của một thường trú nhân. Ảnh: X/ Eric

Một thường trú nhân tên Emma, 31 tuổi, gốc Mỹ, sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản nhận định, bản thân cô cảm thấy bất an. Dù cô có việc làm và thu nhập ổn định, nhưng vẫn luôn canh cánh nỗi sợ một ngày nào đó không thể trả thuế, hoặc nếu thu nhập bị ảnh hưởng bởi vài tình huống không lường trước được, thì liệu có bị trục xuất khỏi Nhật Bản?

Tháng 7/2024, Emma và một số bạn trẻ chung nỗi lo lắng đã thành lập nhóm “Liên minh thường trú nhân”. Nhóm đang thu thập chữ ký trực tuyến để yêu cầu Chính phủ thực thi chính sách này cần xét riêng từng hoàn cảnh của mỗi cá nhân “ở mức độ tối đa có thể”.

“Tôi có một số người quen là thường trú nhân đã nghỉ việc tại công ty do vấn đề chủ quan và khách quan. Họ không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội. Họ được yêu cầu rời khỏi Nhật Bản, nhưng điều quan trọng là họ thậm chí không thể nói được ngôn ngữ của quốc gia mình, mà chỉ nói được tiếng Nhật. Họ sẽ phải làm sao?”, Emma nói.

Những ‘thường trú nhân đặc biệt’ cũng lo ngại về chính sách mới

Vấn đề này không chỉ là mối quan tâm của những thường trú nhân trẻ tuổi.

Tờ Mainichi phỏng vấn một phụ nữ gốc Trung Quốc ngoài 60 tuổi, là người nhập cư thế hệ thứ ba sống tại Kobe. Bà sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản. “Tôi nghĩ chính sách này có thể đẩy một số người lớn tuổi gốc Trung có thể trở nên nghèo đói và phạm pháp”.

Phần lớn anh chị em và con cái của bà kết hôn với người Nhật hoặc chuyển sang quốc tịch Nhật. Bà cũng có thể thay đổi quốc tịch, nhưng lại muốn sống như một thường trú nhân trân trọng nguồn cội của mình. Khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, bà học lịch sử Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời nhận thức được những bi kịch thời chiến mà người dân Trung Quốc phải đối mặt.

Gia đình bà cũng không ngoại lệ. Ông nội của bà là thế hệ đầu tiên đến Nhật Bản. Là một thương gia ở Kobe, nhưng ông đã bị cáo buộc là gián điệp và bắt giam vào tháng 12/1944. Sau những cuộc tra tấn, ông sống sót trở về, nhưng sáu người bạn của ông đã mất mạng. “Tôi có nhiều người thân ở Nhật và muốn sống ở đây mãi mãi. Tuy nhiên, xét theo lịch sử, tôi không muốn đánh mất bản sắc Trung Quốc của mình”, người phụ nữ này nói.

Người biểu tình với biểu ngữ “Hãy ngừng phân biệt đối xử với người nhập cư!”, tại Tokyo, hồi tháng 5/2024. Ảnh: Mainichi

Hồi tháng 5, ông Zeng Deshen, cố vấn Hiệp hội Hoa kiều Yokohama, đã tham gia một cuộc họp của Ủy ban Tư pháp thuộc Thượng viện. Bình luận về việc thu hồi quyền thường trú, ông cho rằng, “Đây là vấn đề nghiêm trọng, đi ngược lại với việc thực hiện chủ nghĩa đa văn hóa và đe dọa đến tính mạng, quyền con người của những thường trú nhân”.

Nhiều người nhập cư từ Triều Tiên và Đài Loan có tư cách “thường trú nhân đặc biệt” được xem xét không nằm trong điều khoản thu hồi tư cách lưu trú này. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại rằng phạm vi sẽ mở rộng và bao gồm cả họ.

Động thái của Liên hợp quốc

Bộ Tư pháp giải thích, “Việc thu hồi tư cách thường trú chỉ áp dụng cho các trường hợp cố ý, cố tình không đóng thuế. Các thường trú nhân đang sinh sống bình thường không bị ảnh hưởng”.

Tuy nhiên, theo Mainichi, không có gì đảm bảo rằng các thuật ngữ như “cố ý” sẽ không bị áp dụng tùy tiện. Không có lý do chính đáng nào để thực thi các biện pháp nghiêm khắc chỉ nhắm vào cư dân nước ngoài.

Trong khi đó, để có được tư cách thường trú nhân tại Nhật Bản, những người nước ngoài cần phải đáp ứng các điều kiện như sống tại đây trong 10 năm liên tục, có mức thu nhập nhất định… Quá trình này được cho là gian nan hơn so với các quốc gia khác.

Tháng 6/2024, Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt chủng tộc đã gửi thư cho Chính phủ Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng, luật mới sửa đổi có nguy cơ gây ra tác động đến quyền con người của thường trú nhân. Chính phủ Nhật đã trả lời vào tháng 9 rằng, luật sửa đổi “không có tác động phân biệt đối xử nào đối với thường trú nhân đang cư trú tại Nhật Bản theo bất kỳ cách nào”.

Tờ Mainichi nhận định, khi vị thế kinh tế của Nhật Bản trên thế giới tiếp tục suy yếu, những chính sách như thế này có thể khiến quốc tế coi Nhật là một quốc gia yếu kém về nhân quyền.

Exit mobile version