Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Trải nghiệm ngày đầu đến Nhật của du học sinh ĐH Kumamoto

Vân Linh hiện đang theo học tại Đại học Kumamoto, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. Sau nửa năm sinh sống, học tập tại đất nước mặt trời mọc, cô gái trẻ chia sẻ, ngày càng thấy yêu quý đất nước này hơn. “Mình càng thêm chắc chắn rằng quyết định du học Nhật Bản thực sự là đúng đắn”.

Linh muốn chia sẻ về những ngày đầu sang Nhật, với mong muốn giúp các bạn sắp sang hoặc có dự định du học Nhật có thêm cái nhìn bao quát hơn về đất nước này.

Các thủ tục hành chính

Khi vừa tới Nhật, các du học sinh sẽ phải làm khá nhiều thủ tục giấy tờ. Ví dụ, đăng ký tạm trú, đăng ký bảo hiểm, thẻ My Number (thẻ tương tự căn cước công dân, có hình ảnh khuôn mặt, họ tên, địa chỉ, ngày sinh, giới tính, mã số cá nhân)…

Trường và các anh chị tutor (trợ lý học tập ở trường Đại học) nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ Linh làm các thủ tục này. “Tại tòa thị chính (shiyakusho), các anh chị giúp mình phiên dịch, giải thích cặn kẽ về nội dung của từng loại giấy tờ, thủ tục”.

Làm quen với nếp sinh hoạt

Thời gian đầu mới sang, các bạn sinh viên nước ngoài đều phải sắm sửa các vật dụng, đồ dùng phục vụ cuộc sống. Từ chai dầu gội, sữa tắm, tới các loại đồ gia dụng như nồi, chảo, bát đĩa… Đồng thời, sẽ phải đóng các khoản tiền như tiền cọc nhà, thuê chăn đệm (nếu bạn không mua), tiền thuê xe đạp…

“Mình đã khá stress vì các khoản tiền này”, Linh cho biết.

Một khó khăn nữa với nhiều bạn du học sinh mới sang là thích nghi với các món ăn Nhật hoặc làm thế nào để mua, nấu các món ăn hương vị Việt Nam. Tại Kumamoto nơi Linh sống cũng có những quán ăn Việt Nam.

“Tuần đầu tiên sang Nhật, mình được bạn tutor giới thiệu cho một quán ăn Việt, trong đó có món phở. Thưởng thức hương vị quê nhà tại Nhật thật tuyệt. Nhưng giá 800¥ yên một bát cũng hơi đắt với túi tiền của sinh viên tụi mình”, Linh chia sẻ.

Để tiết kiệm hầu bao, cô sinh viên ĐH Kumamoto chọn tự nấu cơm và các món ăn phù hợp với khẩu vị. Bởi nếu ngày nào cũng mua bento và đồ ăn trong combini vừa tốn tiền, lại không hợp khẩu vị.

Bữa cơm tự nấu của Vân Linh. Ảnh: nhân vật cung cấp

Di chuyển dễ dàng

Ngày đầu tiên sang Nhật, giống như nhiều du học sinh, Linh thấy choáng ngợp với các phương tiện công cộng của Nhật. Thậm chí đến lúc tra đường trên Google Map cũng khó hiểu khi nhìn thấy tên đường, không biết cách đi xe buýt, tàu điện, cách trả tiền… Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, cô đã làm quen nhanh chóng nhờ tự tra cứu thông tin, hỏi bạn bè, senpai.

Hệ thống giao thông công cộng của Nhật rất tiện lợi và phát triển. Nhiều người di chuyển từ nhà ở tỉnh này đến chỗ làm ở tỉnh bên cạnh cách vài chục, thậm chí hàng trăm cây số. Các bạn du học sinh mới sang không cần lo lắng nhiều. Cách đi tàu điện, xe buýt đều có trên các trang web.

Ga tàu nơi Linh bắt tàu đến trường. Ảnh: nhân vật cung cấp

Việc học hành

Du học sinh Đại học sẽ được đăng ký lớp học tiếng Nhật. Tùy theo trình độ sẽ đăng ký vào học các lớp ngữ pháp, đọc hiểu, nghe hiểu và viết.

Các bạn cũng sẽ được học các môn chuyên ngành, chung lớp với sinh viên Nhật. “Mới vào học mình thấy khá khó khăn. Có những tiết mình hoàn toàn không hiểu được thầy đang giảng về vấn đề gì. Sau giờ học phải tìm thêm thông tin để hoàn thành bài tập”.

Ngoài ra nếu có nguyện vọng, bạn có thể đăng ký cả lớp tiếng Anh. Lớp này thường dành cho những bạn du học sinh đăng ký E-course. Bạn có thể sử dụng được cả vốn tiếng Anh và tiếng Nhật, vì trong lớp có nhiều sinh viên Nhật.

“Mình đã tiếp xúc với nhiều bạn du học sinh, cả người Nhật và đa quốc gia. Mọi người đều rất dễ thương. Một phần lý do vì chúng mình cùng là sinh viên qua Nhật học tập, nên cũng có nhiều chủ đề tán gẫu. Nói chuyện thoải mái, vui vẻ với các bạn khiến mình bớt cô đơn và nhớ nhà”, Linh trải lòng.

Vân Linh hi vọng các bạn du học sinh sẽ có những trải nghiệm thú vị ở đất nước mặt trời mọc và gửi lời chúc các bạn sớm thực hiện được giấc mơ học tập tại Nhật Bản.

Exit mobile version