Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Tokyo trợ cấp chi phí “sinh nở không đau”

Theo tờ Asahi, các quan chức chính quyền Tokyo cho biết, đây là chính sách đầu tiên về trợ cấp chi phí “sinh nở không đau” trên quy mô một tỉnh tại Nhật Bản. Khoản trợ cấp dành cho những phụ nữ mang thai sống tại Tokyo có sử dụng thuốc gây tê ngoài màng cứng hoặc các loại thuốc gây mê khác trong khi sinh con tại các cơ sở y tế ở Tokyo. Chính sách áp dụng từ năm tài chính 2025, tức là từ tháng 4/2025.

Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, chi phí sinh thường ở Tokyo trong năm tài chính 2023 là 625,372 yên, cao nhất ở Nhật Bản. Con số này vượt quá mức trợ cấp sinh con của chính phủ là 500,000 yên. Đối với những người chọn gây tê ngoài màng cứng, chi phí thậm chí còn cao hơn.

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản, việc sử dụng thuốc gây tê ngoài màng cứng trong quá trình sinh nở ngày càng phổ biến ở Nhật Bản. Năm 2017, số ca “sinh nở không đau” chỉ chiếm 5,2% trong tổng số ca sinh nở, nhưng đã tăng lên 11,6% vào năm 2022. Hiện nay, chi phí gây tê ngoài màng cứng thường tốn 100,000 đến 150,000 yên. Do đó, khoản trợ cấp này sẽ giúp các gia đình giảm bớt gánh nặng y tế khi sinh con.

Các bác sĩ thực hiện thành công một ca sinh mổ. Ảnh: Asahi Shimbun

Trả lời Asahi Shimbun hôm 6/1, Thống đốc Tokyo – bà Yuriko Koike cho rằng, “Nhìn vào tình hình trên toàn thế giới, việc sinh nở không đau khá phổ biến”. Bà nảy ra ý tưởng thành lập khoản trợ cấp này sau khi bà nói chuyện với một nữ quan chức Tokyo. Người này cho biết: “Nếu tôi phải trải qua nỗi đau chuyển dạ thêm lần nữa, tôi có lẽ không thể sinh đứa con thứ hai”.

Tuy nhiên, đã có những trường hợp sản phụ tử vong trong quá trình “sinh nở không đau”, do đó việc quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho sản phụ.

Chính quyền Tokyo hiện đang xem xét chi tiết chương trình trợ cấp. Một viên chức cấp cao của Tokyo cho biết, một điều kiện để được trợ cấp là ca sinh phải được thực hiện tại một cơ sở y tế có bác sĩ gây mê và trang thiết bị y tế thực hiện thủ thuật gây tê ngoài màng cứng hoặc thủ thuật tương tự. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân sự và trang bị cho các cơ sở y tế để đáp ứng những yêu cầu này trên quy mô lớn sẽ là một thách thức.

Exit mobile version