Theo Japan Times, lần đầu tiên cả 4 tuyến đường mòn lên núi Phú Sĩ đều thu cùng một mức phí vào cửa. Năm ngoái, những người leo núi trả 2,000 yên để leo theo đường mòn Yoshida tại tỉnh Yamanashi, trong mùa leo núi kéo dài từ tháng 7 đến đầu tháng 9. Trong khi đó, những người băng qua 3 con đường mòn khác khởi hành từ Shizuoka không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Trong mùa hè năm nay, chính quyền hai tỉnh đã quyết định tăng mức phí lên 4,000 yên/người leo núi ở mọi cung đường.
Thực tế, tuyến đường Fujinomiya là tuyến đường ngắn nhất lên núi Phú Sĩ, nhưng có độ dốc lớn nhất. Tuyến đường Gotemba có khoảng cách dài nhất và cũng là khoảng cách cao nhất lên đến đỉnh. Trong khi đó, tuyến đường Subashiri nổi tiếng với cảnh bình minh tuyệt đẹp, ở vị trí gần đỉnh núi hơn và đường mòn này hợp nhất với tuyến đường Yoshida của tỉnh Yamanashi – cung đường phổ biến dành người mới hoặc ít kinh nghiệm leo núi.
Ngoài ra, cả 4 tuyến đường mòn sẽ đóng cửa từ 14 giờ chiều đến 3 giờ sáng hàng ngày để ngăn người leo núi bắt đầu khởi hành muộn, dễ gặp tai nạn nguy hiểm trong đêm. Ba tuyến đường mòn của Shizuoka không giới hạn số lượng người leo núi hàng ngày, nhưng tuyến đường mòn Yoshida giới hạn 4.000 người leo núi đi qua mỗi ngày, khi đủ con số này cổng ở trạm thứ năm sẽ đóng. Biện pháp này nhằm ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn cũng như giới hạn những người thích “leo núi kiểu đạn” – đi bộ lên đỉnh núi Phú Sĩ suốt đêm mà không nghỉ ngơi hoặc đặt phòng tại nhà nghỉ trên núi. Hành trình này được coi là nguy hiểm.
Để giữ sức khỏe và an toàn, người leo núi có thể đặt chỗ và thanh toán trước phí vào cửa trực tuyến hoặc thanh toán tại trạm thứ năm vào ngày leo núi. Lưu ý, ngay cả khi đã đặt chỗ, vẫn phải vượt qua trạm thứ năm của mỗi tuyến đường mòn trước 14 giờ chiều. Những người đã đặt chỗ ở tại các lều trên núi sẽ không bị giới hạn thời gian.
Núi Phú Sĩ cao 3.776 mét, nằm trên biên giới của hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2013. Từ lâu, ngọn núi hùng vĩ này được coi là biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên và ý nghĩa tâm linh trong văn hóa Nhật Bản. Mỗi năm, thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Nhưng cùng với sự nổi tiếng là làn sóng người leo núi quá tải, gây tắc nghẽn trên các tuyến đường mòn và tăng nguy cơ mất an toàn do một bộ phận người tham gia không chuẩn bị kỹ càng và thiếu kiến thức, kinh nghiệm leo núi. Do đó, chính quyền đã dùng nhiều biện pháp để kiểm soát số người leo núi mỗi năm. Theo Bộ Môi trường, năm 2024, có 204.316 người leo núi Phú Sĩ, giảm gần 8% so với năm 2023.
Núi Phú Sĩ không phải là ngọn núi duy nhất trên thế giới thu phí vào cửa với người leo núi. Nepal thu phí cấp phép leo núi Everest – ngọn núi cao nhất thế giới – trong gần một thập kỷ vào mùa leo núi cao điểm. Phí này sẽ tăng lên 15.000 USD từ tháng 9 năm nay, theo BBC.