Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Thách thức của nước Nhật: làm thế nào để lao động nước ngoài “coi Nhật là nhà”

Lao động nước ngoài tăng hơn 1,65 lần so với thập kỷ trước

Trong thập kỷ này, nước Nhật đang phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn khi dân số tiếp tục già hóa nhanh, tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Một trong những giải pháp cấp bách là thu hút nguồn lao động nước ngoài đến nước này sinh sống, làm việc.

Theo Cơ quan Dịch vụ Di trú Nhật Bản, tính đến cuối tháng 6/2024, có 3.588.956 công dân nước ngoài cư trú tại Nhật Bản, tăng 177.964 người so với cuối năm 2023. Trong khi đó, năm 2023, nước này có hơn 3,41 triệu người nước ngoài cư trú, gấp 1,65 lần so với mức 2,07 triệu người của 10 năm trước đó vào cuối năm 2013.

Xét theo quốc tịch, người Trung Quốc chiếm đông nhất tại Nhật Bản. Tiếp đến là Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó cộng đồng Việt Nam tăng 15,5% so với năm trước.

Tuy nhiên, số lượng người nước ngoài tăng nhanh cũng đặt ra nhiều thách thức cho Nhật Bản. Đặc biệt là các chính sách nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định cho họ. Theo tờ Mainichi, nhiều người lao động nước ngoài đang hàng ngày sống, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, tồi tàn. “Liệu đất nước này có thể trở thành nơi người lao động nước ngoài muốn gọi là nhà không?”, Mainichi đặt câu hỏi.

Điều kiện sống, làm việc quá vất vả

Mỗi buổi sáng, Trần Thế Vinh, 29 tuổi, thức dậy lúc 5:30 sáng và rời khỏi nhà tại thành phố Kitakyushu đến thị trấn Kanda, tỉnh Fukuoka. Anh đang làm việc tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô.

“Mọi thứ vẫn chưa phải hoàn hảo, nhưng tôi vui mừng vì đã chọn đến Nhật Bản”, Vinh nói.

Năm 2015, chàng trai trẻ đến Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật, làm việc tại một nhà máy cao su ở Nagoya. Để có tư cách đến Nhật, anh đã phải trả 160 man cho công ty môi giới. Gia đình phải chạy vạy, vay ngân hàng. Tuy vậy, hàng tháng, mức lương nhận về tay (sau khi đóng bảo hiểm, thuế…) của Vinh chỉ vẻn vẹn 10 man. Số tiền này phải gửi về cho gia đình trả nợ ngân hàng, khiến chàng trai này “gần như không có gì trong tay”.

Mỗi ngày, Vinh làm việc 8 tiếng, hoặc 10 tiếng nếu phải tăng ca. Đồng nghiệp của anh hầu hết cũng là người nước ngoài, chỉ có quản lý là người Nhật. Vinh bảo, anh thường mệt mỏi đến mức ngủ thiếp đi ngay khi về đến nhà.

Anh Trần Thế Vinh. Ảnh: Mainichi

Mặc dù công việc mệt nhọc, Vinh vẫn dành thời gian trau dồi tiếng Nhật. Sau 3 năm thực tập sinh, Vinh trở về Việt Nam. Đến năm 2020, anh quay lại Nhật theo visa du học sinh ngành kinh tế tại Kitakyushu, Fukuoka. Anh muốn phát triển vốn tiếng Nhật và tìm công việc tốt hơn.

Sau khi tốt nghiệp, Vinh làm quản lý thực tập sinh cho một nghiệp đoàn. Hiện anh chuyển sang làm tại nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô. “Hồi còn là thực tập sinh, thi thoảng tôi thoáng nghĩ không muốn đi làm, vì nhiều áp lực. Nhưng bây giờ môi trường làm việc tốt và công việc được trả lương xứng đáng với công sức bỏ ra, tôi không nghĩ vậy nữa”, Vinh cười nói.

Câu chuyện của Vinh cho thấy, điều kiện làm việc, lương bổng của các thực tập sinh kỹ năng còn nhiều khó khăn. Đây sẽ là thách thức cho Chính phủ Nhật Bản, khi làm sao cải thiện các chính sách giúp thực tập sinh nước ngoài nâng cao điều kiện sống, làm việc, ổn định cuộc sống.

Năm 2019, Chính phủ Nhật Bản triển khai chương trình visa lao động mới có tên Kỹ năng đặc định (特定技能 Tokutei Ginou). Tháng 6/2024, Luật được sửa đổi bổ sung về chương trình thực tập sinh kỹ năng, hướng tới sẽ chấp nhận lao động nước ngoài theo visa thực tập sinh có thể chuyển đổi sang visa Tokutei Ginou dễ dàng hơn. Dự kiến thực hiện từ năm 2027.

Gặp khó vì khác biệt ngôn ngữ và văn hóa

Theo Mainichi, nhiều người Việt ở độ tuổi 20-30 đã kết hôn và sinh con tại Nhật. Tuy nhiên, do khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, một số người cảm thấy bị choáng ngợp và khó thích nghi.

Chị Tạ Minh Thu, 37 tuổi, người sáng lập Hội người Việt Nam tại Kitakyushu, hiện đang sống tại thành phố Kokurakita, Fukuoka. 14 năm trước, chị đến Nhật bằng visa du học sinh.

Nhớ lại quãng thời gian vừa đặt chân tới đất nước mặt trời mọc, Thu bảo đã từng cảm thấy sợ hãi khi có người lớn tiếng hỏi có hiểu tiếng Nhật không. Sau khi kết hôn và sinh con, do không hiểu biết đầy đủ về hệ thống trợ cấp thai sản trong thời gian nghỉ chăm con, Thu đã không nhận được tiền trợ cấp. Chị cũng gặp nhiều rào cản khi quyết định kéo dài thời gian nghỉ chăm con và trì hoãn quay trở lại làm việc.

Minh Thu nhận định, việc sống trong môi trường văn hóa khác biệt khiến bản thân không dễ bày tỏ suy nghĩ, chia sẻ và nhiều lúc cảm thấy stress.

Chị Tạ Minh Thu. Ảnh: Mainichi

Những trải nghiệm này thúc đẩy chị muốn giúp đỡ những người Việt khác có chung cảnh ngộ. Hội người Việt Nam tại Kitakyushu thành lập, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ dạy tiếng Nhật, tìm việc làm, hướng dẫn về thủ tục hành chính, cùng nhiều dịch vụ khác cho đồng hương.

Chị cho rằng, mặc dù các cơ quan hành chính tại Nhật có hỗ trợ đa ngôn ngữ cho công dân nước ngoài, nhưng vẫn còn thiếu sự hỗ trợ toàn diện. “Hội người Việt Nam tại Kitakyushu muốn cung cấp dịch vụ toàn diện hơn để người Việt có thể sống thoải mái giống như người Nhật mà không gặp khó khăn”, Thu kỳ vọng.

Nhật Bản cần phát triển nguồn nhân lực toàn diện

Trả lời phỏng vấn của Mainichi, ông Takeshi Fukumoto – Phó GS Xã hội học quốc tế, Đại học Nishikyushu, tỉnh Saga cho rằng, Nhật Bản đang phải cạnh tranh với quốc gia khác để thu hút nguồn nhân lực nước ngoài. Để trở thành nơi người lao động nước ngoài lựa chọn để sinh sống, “Nhật Bản nên tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực nước ngoài một cách sâu rộng hơn, bao gồm trang bị kỹ năng tiếng Nhật cho họ”, vị này nói.

Bên cạnh cung cấp các lớp học tiếng Nhật miễn phí tại các địa phương trên toàn quốc, cần cải thiện những hỗ trợ về mặt đời sống, quan tâm người lao động xem họ có thích nghi được với cuộc sống Nhật Bản không. Theo ông Fukumoto, thách thức làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho người nước ngoài như một cộng đồng quan trọng trong xã hội Nhật Bản và ngăn chặn dòng chảy nguồn nhân lực này từ Nhật Bản sang nước khác vẫn là bài toán khó cho nước này.

Exit mobile version