Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Sống một mình ở Nhật vẫn tiết kiệm nếu bạn biết mẹo này

Mai Nhiên, một nhân viên văn phòng 28 tuổi, đang sống tại Tokyo tròn 3 năm. Trước khi chuyển đến siêu đô thị lớn nhất Nhật Bản, Nhiên từng sống ở Kobe. “Vật giá ở hai thành phố chênh lệch rất nhiều, em đã bị sốc trong tháng đầu tiên ở Tokyo. Chi phí cho tiền thuê nhà, điện, nước, cho tới mua thực phẩm đều đắt đỏ. Tháng đầu, em đã tiêu hơn 15 man, thật sự tá hỏa”.

Sau khi “đánh vật” với các loại giá cả, Nhiên nhận ra cô hoàn toàn có thể cắt giảm chi phí sinh hoạt nếu tuân thủ các mẹo tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất.

Cách giảm chi phí ăn uống

Thay vì mua thức ăn nhanh hoặc obento trong combini và siêu thị, Mai Nhiên lựa chọn tự nấu đồ ăn. Một hộp obento dao động 350-498 yên. Trong cửa hàng, thức ăn nhanh có giá khoảng 500-1,000 yên. “Buổi sáng em dậy sớm hơn chút, chuẩn bị luôn đồ ăn mang lên công ty và cho bữa tối. Các món cá, thịt, rau đủ dinh dưỡng, chia ra sẽ tốn ít tiền hơn mua đồ ăn sẵn. Cơm nhà lại ngon miệng”, Nhiên nói.

Để mua thực phẩm giá rẻ, cô đi khảo sát giá ở vài siêu thị gần nhà, thấy mỗi siêu thị sẽ có một số mặt hàng luôn có giá rẻ hơn. Đặc biệt, nếu chịu khó đi mua hàng từ 19 giờ hoặc lúc gần giờ đóng cửa, có thể mua được rất nhiều đồ ăn giảm 30-50%, thậm chí 70%. Ngoài ra, một số thực phẩm nhập khẩu sẽ rẻ hơn thực phẩm có nguồn gốc nội địa, từ rau củ, trái cây, cho tới thịt, cá…

Một quầy hàng ở siêu thị Gyomu. Ảnh: Bloomberg Japan

Bên cạnh đó, Mai Nhiên cũng lui tới những siêu thị bán buôn, nơi các chủ nhà hàng hay mua nguyên liệu. “Gyoumu (業務スーパー) là địa chỉ ưa thích của em. Hệ thống này trải dài khắp nước Nhật. Giá thành khá rẻ, đặc biệt nếu bạn không câu nệ chuyện thức ăn đông lạnh hay kích thước mặt hàng lớn. Lại có những món hương vị Việt với giá khá dễ chịu như phở khô, bánh tráng cuốn nem, mộc nhĩ, hay vải, mít đông lạnh”, Nhiên chia sẻ.

Cuối cùng, hãy lập danh sách đồ cần thiết trong tuần khi đi siêu thị. Để tránh mua những thứ không cần thiết.

Tiết kiệm chi phí đi lại

Nếu chỉ di chuyển giữa hai trạm như từ nhà đến công ty, trường học, Nhiên sử dụng Teikiken (定期券 – thẻ đi lại định kỳ) sẽ giúp tiết kiệm một khoản tiền.

Đây là cách tốt nhất cho những người làm việc bán thời gian, đi làm 2-3 lần mỗi tuần. Hoặc đối với những người di chuyển giữa hai ga cụ thể hơn 10 lần (một chiều) bằng tàu JR. Bạn có thể nhận được 11 vé với giá mua 10 vé.

Nếu công ty, trường học cách nhà 2-3km, có thể chọn di chuyển bằng xe đạp, vừa tiết kiệm phí tàu xe, vừa nâng cao sức khỏe mỗi ngày.

Xe buýt đêm khởi hành vào buổi tối và đến đích vào buổi sáng. Đi xe buýt đêm khi bạn cần di chuyển xa, liên tỉnh hoặc đi du lịch, giúp tiết kiệm tiền hơn đi máy bay hoặc shinkansen. Có các chuyến xe buýt đường cao tốc có thể đưa đón bạn trên quãng đường dài từ Tokyo đến Osaka, sân bay Narita đến Tokyo…

Thắt chặt hầu bao cho quần áo

Một trong những vấn đề đau đầu với chị em là khoản tiền dành cho quần áo. Mai Nhiên nhận ra cô tiết kiệm tiền hơn khi mua quần áo giảm giá. Tuy nhiên, cần đảm bảo kiểm soát bản thân không mua ngẫu hứng. “Cách tốt nhất là lập danh sách món đồ cần mua, tìm các cửa hàng đang giảm giá. Mua sắm ngẫu hứng là lý do khiến cái ví của bạn trống rỗng”, cô cười nói.

Mua quần áo quá nhiều khiến bạn khó tiết kiệm tiền. Ảnh: Becca Mchaffie

Vào mùa hè, nếu mua quần áo mùa đông thì giá vô cùng hấp dẫn và ngược lại, hầu hết quần áo mùa hè được giảm giá kịch sàn trong mùa đông.

Một cách khác là mua sắm tại các cửa hàng đồ cũ. Ngoài mua những món đồ đã qua sử dụng với giá rẻ, bạn còn có thể kiếm tiền bằng cách bán những thứ không còn sử dụng.

“Tiết kiệm không có nghĩa là sống khổ sở, thiếu thốn. Em nghĩ đây là những thói quen lành mạnh và vẫn đang thực hiện mỗi ngày”, Nhiên nói.

Exit mobile version