Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Nhức nhối tình trạng “quấy rối thai sản” với thực tập sinh ở Nhật

Thực tế phũ phàng khi thực tập sinh có thai

Hãng thông tấn Kyodo phỏng vấn bà Jiho Yoshimizu, Giám đốc đại diện một hiệp hội hữu nghị hỗ trợ người Việt tại Nhật Bản. Bà Yoshimizu vừa xuất bản cuốn sách có tựa đề “Nếu bạn có thai, tạm biệt nhé”, chia sẻ thực tế phũ phàng về tình trạng “quấy rối thai sản”: các thực tập sinh kỹ thuật thường bị buộc phải nghỉ việc.

Một số thực tập sinh kỹ thuật cho biết, các công ty từ chối tuyển dụng nếu biết họ đang mang thai. Thậm chí, một nữ thực tập sinh nói rằng, chủ lao động còn coi việc mang thai của cô là “bệnh tật” và sa thải cô.

Một nữ thực tập sinh bị ép nghỉ việc vì mang thai. Ảnh: Asahi Shimbun

Những lao động nước ngoài có visa thực tập sinh kỹ thuật tham gia vào nhiều ngành nghề sản xuất, nông nghiệp, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi tình trạng thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, nhiều nữ thực tập sinh bị đối xử tệ bạc khi mang thai và dễ dàng bị chủ doanh nghiệp “vứt bỏ”.

Nhiều nữ thực tập sinh quá bế tắc đã chọn cách giấu diếm, sinh con một mình rồi bỏ rơi đứa trẻ. Có những vụ như vậy, khiến đứa trẻ thậm chí tử vong.

Nữ thực tập sinh cần hiểu rõ về “quấy rối thai sản”

Quấy rối thai sản là hành vi đối xử bất công của người sử dụng lao động với phụ nữ đang mang thai. Hành vi này bị cấm trong Luật Cơ hội Việc làm Bình đẳng của Nhật Bản. Cư dân nước ngoài có quyền được hưởng trợ cấp thai sản, nghỉ thai sản và nhận các trợ cấp chăm sóc trẻ em, giống như tất cả phụ nữ Nhật Bản.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công ty, công xưởng không muốn tốn công sức để tìm người thay thế công việc nếu một phụ nữ nghỉ phép sinh con. Từ đó, ép buộc nữ lao động mang thai phải từ chức.

Tệ hơn nữa, nữ lao động nước ngoài không biết, không hiểu rõ về quyền hợp pháp của mình. Họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của Chính phủ bởi rào cản ngôn ngữ.

Bà Jiho Yoshimizu, Giám đốc đại diện một hiệp hội hữu nghị hỗ trợ người Việt tại Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News

Để tìm ra giải pháp, hiệp hội hữu nghị hỗ trợ người Việt tại Nhật Bản của bà Yoshimizu đã thành lập một liên đoàn lao động vào năm 2022 để giúp đỡ hàng trăm nữ thực tập sinh mang thai và sinh con. Với sự giúp đỡ của tổ chức này, 153 nữ thực tập sinh Việt Nam đã được nghỉ thai sản, nghỉ chăm con và sau đó tiếp tục làm việc tại Nhật Bản.

Các bên liên quan cần hợp tác bảo vệ quyền của phụ nữ

Theo nghiên cứu do tờ Kyodo News thực hiện vào năm 2023, các công ty đào tạo và cung cấp nhân sự thực tập sinh cho các doanh nghiệp Nhật Bản thường khuyến nghị nữ thực tập sinh sử dụng các biện pháp tránh thai. Hơn là có những hỗ trợ nếu thực tập sinh lỡ mang thai. Quyền sinh con và nuôi con thường bị bỏ qua, do thái độ ưu tiên phòng ngừa mang thai đã ăn sâu vào tư tưởng.

“Nhiều nữ thực tập sinh cảm thấy tội lỗi về việc mang thai của mình, như thể họ là người tồi tệ vì đã có thai”, bà Yoshimizu nói. Theo bà, các nhà chức trách Nhật Bản cần hiểu rõ hơn về tình hình này. Chính phủ phải chịu một phần trách nhiệm đối với những nữ thực tập sinh nước ngoài.

Chính phủ Nhật Bản sẽ triển khai hệ thống “đào tạo và việc làm” mới vào năm 2027 hoặc sẽ thay thế chương trình thực tập kỹ thuật hiện nay, vốn bị chỉ trích nặng nề vì vi phạm nhân quyền và như phương tiện nhập khẩu lao động giá rẻ. Việc cải tổ này nhằm đảm bảo người lao động nước ngoài được đối xử đúng mực.

Tuy nhiên, bà Yoshimizu nhận định “vấn đề tương tự sẽ lặp lại” trừ khi tất cả các bên liên quan cùng hợp tác để hỗ trợ phù hợp cho phụ nữ. Các công ty cần nhận thức về trách nhiệm của mình và cởi mở tuyển dụng nữ lao động đang nghỉ thai sản. Hiệp hội của bà Yoshimizu vẫn đang nỗ lực làm việc mỗi ngày để hỗ trợ nhân quyền của các nữ thực tập sinh.

Exit mobile version