Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Nhiều bạn trẻ ở Nhật “bất an tài chính”

Lạm phát lối sống – cái bẫy ngọt ngào

Đỗ visa kỹ sư nông nghiệp làm việc tại tỉnh Kumamoto, Phương Linh sang Nhật Bản từ giữa năm 2022. Sau vài tháng làm quen với nhịp sống mới tại đất nước mặt trời mọc, Linh hòa nhập nhanh, công việc ở chỗ làm khá suôn sẻ. Nhận lương về tay trung bình 25 man mỗi tháng, cô cảm thấy cuộc sống khá sung túc so với thời gian làm việc ở Việt Nam.

“Túi tiền rủng rỉnh hơn, dần dà em thích mua sắm hơn, nhất là quần áo, túi xách. Rồi hay đi chơi với tụi bạn, ăn hàng quán nhiều hơn. Thỉnh thoảng em cũng gửi tiền về biếu gia đình. Tổng kết cũng không tới mức tiêu hết lương, nhưng thường em cứ tiêu rồi cuối tháng dư được bao nhiêu thì dư”, Linh nói.

Phương Linh cùng nhiều bạn trẻ hiện nay đang rơi vào trạng thái “lạm phát lối sống” (lifestyle creep).

Đây là hiện tượng chi tiêu và mức sống của một cá nhân tăng tỷ lệ thuận với thu nhập của họ. Khi kiếm được nhiều tiền hơn, nhiều người có xu hướng tiêu nhiều để bù đắp lại công sức vất vả đã bỏ ra và xem đó giống như một phần quà tự thưởng cho bản thân. Kết quả là, việc không kiểm soát chi tiêu cá nhân khiến bạn dùng hết sạch nguồn thu nhập có được, mà không thể tạo ra bất kỳ khoản tiết kiệm nào.

Nhiều bạn trẻ chuộng chi tiêu thỏa thích hơn là tiết kiệm. Ảnh: okataduke lab

Bên cạnh đó, hiện nay việc tiếp xúc thường xuyên với các nội dung về “cuộc sống tươi đẹp” và sự gia tăng “chủ nghĩa tiêu dùng” trên mạng xã hội khiến các bạn trẻ bị cám dỗ bởi ý niệm: “hãy tận hưởng”, “mua thứ này đi, nó tốt cho bạn”… Điều này đưa đẩy họ tới hành động mua sắm, tiêu dùng mất kiểm soát. Hết tháng là hết lương, hoặc như Phương Linh, cô chi tiêu vô tư và phó mặc khoản tiết kiệm “dư được bao nhiêu thì dư”.

Theo các chuyên gia tài chính, lối sống này đang khiến thế hệ trẻ, nhất là Gen Z bước vào chu kỳ đối mặt với rủi ro mất an toàn tài chính, cản trở khả năng tiết kiệm và đầu tư cho tương lai.

3 bước thoát bẫy lạm phát lối sống

Bước 1: Xây dựng kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cụ thể

Ngay từ sớm, bạn cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc tiết kiệm và chi tiêu hàng tháng.

Nên dành ra một khoản tiết kiệm cố định ngay khi nhận được lương. Ví dụ mỗi tháng sẽ lấy 5 man tiết kiệm. Bạn có thể giữ tiền tiết kiệm trong 1 thẻ ngân hàng Nhật chỉ dành cho quỹ tiết kiệm. Hoặc cách khác, bạn chuyển qua thẻ DCOM gửi về Việt Nam gửi tiết kiệm ngân hàng.

Mỗi tháng bạn nên dành 1 khoản tiền cố định vào quỹ tiết kiệm. Ảnh: toyokeizai

Tiếp đó, dùng số tiền còn lại sử dụng cho chi tiêu sinh hoạt hàng tháng tại Nhật. Việc kiểm soát có kế hoạch như thế này sẽ giúp bạn luôn để ra một khoản tiết kiệm, tránh việc bội chi.

Bước 2: Cân nhắc kỹ trước khi mua một món đồ

Bên cạnh những khoản chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, điện, nước, tiền ăn uống, đi lại, bạn cần thiết lập kỷ luật cho chính mình trước khi xuống tiền mua các món đồ phục vụ sở thích cá nhân. Ví dụ quần áo, túi, giày… là những khoản dễ “vung tay quá trán”.

Trước khi mua 1 món đồ, hãy dành thời gian cân nhắc. Ảnh: travelvoice

Một bí kíp là hãy cho mình 24 giờ suy nghĩ trước khi mua một món đồ. Khoảng thời gian này giúp bạn bình tâm cân nhắc liệu có nên mua nó không. Thực tế não bộ thường sẽ giảm hứng thú với món đồ đó sau 24 giờ, nên rất có thể tối qua bạn vô cùng phấn khích trước một bộ đầm trên shop online, nhưng chiều hôm sau mở ra xem lại, bạn đã không còn thích nó nữa.

Bước 3: Chi tiêu cho những điều đáng giá

Để tránh rơi lại vào lạm phát lối sống, bạn cần cân nhắc kĩ cho những khoản chi tiêu. Thay vì đổi sang một chiếc điện thoại mới vừa ra mắt với giá mười mấy man, bạn đầu tư vào những điều có giá trị cho bản thân.

Học thêm những kỹ năng mới vừa giúp tăng thêm kiến thức, hiểu biết, vừa giúp mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Đây chính là đòn bẩy để chạm tới những nguồn thu nhập cao hơn nữa trong tương lai.

Exit mobile version