Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Nhật dùng tế bào gốc tự sinh insulin cho người tiểu đường tuýp 1

Theo Kyodo News, Bệnh viện Đại học Kyoto đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng để cấy ghép tế bào gốc đa năng cảm ứng sản xuất insulin để điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, căn bệnh ngăn cản tuyến tụy sản xuất insulin. Thông báo được đưa ra trong họp báo diễn ra vào ngày 14/4.

Thử nghiệm lâm sàng bao gồm việc nuôi cấy các tế bào đảo tụy thành một tấm mỏng, với sự hỗ trợ của Orizuru Therapeutics Inc., một công ty chuyên về y học tái tạo. Các bác sĩ sẽ cấy ghép chúng dưới da xung quanh vùng bụng bệnh nhân.

Các Giáo sư đã sử dụng tế bào đảo tụy có nguồn gốc từ tế bào iPS để xác nhận tính an toàn của quá trình này đối với bệnh tiểu đường tuýp 1. Tế bào iPS được phát triển bởi GS Shinya Yamanaka, giám đốc danh dự tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào iPS của ĐH Kyoto. Công trình này giúp ông giành được Giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 2012.

Bệnh viện ĐH Kyoto tổ chức họp báo tại Kyoto hôm 14/4. Ảnh: Kyodo News

Bệnh viện ĐH Kyoto cho biết, hiện bệnh nhân khỏe mạnh và đã được xuất viện, sẽ được theo dõi trong tối đa 5 năm. Thử nghiệm có thể giúp bệnh nhân không phải tiêm insulin hàng ngày. Thực tế người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 dễ bị ngất xỉu do lượng đường trong máu thấp và phải tự tiêm insulin vào cơ thể mỗi ngày để kiểm soát lượng glucose.

GS Daisuke Yabe, người đứng đầu nhóm thử nghiệm, nhận định rằng mục tiêu sẽ đưa quy trình này vào ứng dụng thực tế khoảng những năm 2030. Hiện Bệnh viện ĐH Kyoto đang chuẩn bị tiến hành ca phẫu thuật cho bệnh nhân thứ hai.

Thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi năm 2020 ước tính có khoảng 139.000 bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 tại Nhật Bản.

Exit mobile version