Nhật bỏ tiêu chuẩn chiều cao với phụ nữ muốn thành phi công

Nữ giới cao dưới 158 cm giờ đây sẽ có cơ hội được đào tạo chính quy tại Học viện Đào tạo phi công Quốc gia, nhờ chính sách đổi mới của Bộ Giao thông Vận tải.

Tờ Mainichi cho biết, chính sách mới của Bộ Giao thông Vận tải sẽ trao nhiều cơ hội cho phụ nữ muốn trở thành phi công. Hiện nay, trong số 7.270 phi công tại các hãng hàng không lớn ở Nhật Bản, chỉ có 142 phi công nữ, chiếm vỏn vẹn 1,9%. Tỉ lệ này quá khiêm tốn so với mức trung bình 6,1% phi công nữ của các nước trong khu vực Châu Á – Châu Đại Dương, cũng như tỉ lệ trung bình toàn cầu là 4,7%.

Chính sách mới của Nhật Bản do một nhóm làm việc về trao quyền cho các nữ nhân viên điều hành máy bay và thợ máy đã khởi xướng. Họ là các chuyên gia và người trong ngành hàng không. “Tỉ lệ nữ phi công quá khiêm tốn phần lớn nguyên nhân do tỉ lệ nữ giới theo học tại Cao đẳng Hàng không Dân dụng quá ít ỏi”, đại diện nhóm này cho biết. Thực tế trường này đào tạo ra 40% phi công tại Nhật Bản. Trong số 108 sinh viên nhập học năm ngoái, chỉ có 6 người là nữ. Một yêu cầu bắt buộc của trường là nữ giới phải cao trên 158 cm. Đồng thời phải vượt qua các bài kiểm tra khó về Toán nâng cao, Vật lý trình độ phổ thông và các môn khoa học khác.

Với việc thay đổi chính sách không bắt buộc chiều cao của nữ giới ứng tuyển vào trường đào tạo phi công, áp dụng từ mùa tuyển sinh 2026, Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ nữ phi công lên 10% trong vòng 10 năm tới. Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh đặc biệt vào Trường Cao đẳng Hàng không Dân dụng chủ yếu dựa trên kết quả phỏng vấn cũng sẽ được áp dụng.

Bộ cũng khuyến khích các chị em có thể theo học tại nhiều trường đại học tư thục có khóa đào tạo phi công. Đồng thời cũng sẽ xem xét các môn học của khóa học; các bài kiểm tra bằng phỏng vấn; hệ thống hạn ngạch hoặc phân bổ chuyên biệt cho phụ nữ, giống như một số trường cao đẳng khoa học và kỹ thuật.

Ngoài ra, Bộ sẽ xem xét về việc kéo dài thời hạn cho các thợ máy hàng không tương lai tham gia kỳ thi thực hành cấp chứng chỉ quốc gia, từ 2 năm như hiện nay lên 5 năm. Giúp tạo điều kiện cho các nữ thợ máy làm việc thoải mái. Vì một số phụ nữ không thể tham gia kỳ thi thực hành theo thời hạn thông thường do nghỉ thai sản hoặc nghỉ chăm con nhỏ.

Scroll to Top