Tờ Mainichi trích dẫn thông tin từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, năm 2023, nước này bắt giữ 6.703 người liên quan đến các vụ án hình sự về cần sa. Số bị can này vượt ngưỡng số vụ án về methamphetamine (ma túy đá). Đáng chú ý, 70% bị can là những người dưới 30 tuổi.
Cũng theo khảo sát toàn quốc của nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, năm 2023, có khoảng 200.000 người đã sử dụng cần sa.
Tình trạng thanh niên lạm dụng cần sa trở nên đáng báo động, khiến Chính phủ Nhật quyết định hình sự hóa việc sử dụng cần sa và tetrahydrocannabinol (THC), một loại chất gây ảo giác được tìm thấy trong cây cần sa. Luật mới này có hiệu lực từ ngày 12/12/2024.
Trước đó, việc sở hữu, chuyển nhượng, trồng cần sa và THC đã bị cấm ở Nhật Bản. Nhưng không phạt tù việc sử dụng cần sa. Có thể là vì lo ngại các nông dân trồng cây gai dầu có thể vô tình nhiễm các chất này.
Luật mới ban hành sẽ coi cần sa và THC là chất ma túy, chất cấm sử dụng. Đồng thời quy định mức án tù lên tới 7 năm nếu vi phạm.
Tuy vậy, luật sửa đổi cũng hợp pháp hóa các sản phẩm y tế sử dụng các chất có nguồn gốc từ cần sa, nếu đã được chứng minh là có hiệu quả và nằm trong ngưỡng an toàn. Nhưng các thuốc có nguồn gốc từ cần sa sẽ được kiểm soát theo hệ thống cấp phép, tương tự như các loại thuốc được sử dụng để giảm đau và các mục đích khác.
Hiện thuốc có thành phần từ cây cần sa chỉ được phép thử nghiệm lâm sàng tại Nhật Bản. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn đang kêu gọi Chính phủ cho phép tiếp cận với các loại thuốc cannabidiol có nguồn gốc từ cần sa đã được chấp thuận tại châu Âu và Mỹ, trong điều trị các tình trạng như động kinh nặng.