Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Nhật Bản cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột để điều trị ung thư

Tờ Japan Times dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản. Bệnh viện đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng vào tháng 8/2024, trong đó cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột từ người hiến tặng khỏe mạnh cho những bệnh nhân ung thư thực quản và dạ dày.

Các nhà nghiên cứu lập luận rằng, sự phát triển gián đoạn trong hệ vi khuẩn có thể góp phần vào sự diễn tiến của ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu muốn xác định xem việc phục hồi môi trường đường ruột khỏe mạnh có thể tăng cường hiệu quả của các thuốc miễn dịch sử dụng trong điều trị ung thư hay không. Thử nghiệm sẽ tiếp tục triển khai từ nay cho tới tháng 11/2027.

Thực tế, trong ruột có khoảng 100 nghìn tỷ vi khuẩn, thuộc 1.000 nhóm khác nhau, gọi chung là hệ vi khuẩn đường ruột. Các yếu tố như căng thẳng, mệt mỏi, chế độ ăn uống thiếu cân bằng và quá trình lão hóa của cơ thể được cho là nguyên nhân làm phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn tới nhiều bệnh lý, điển hình là ung thư dạ dày và thực quản.

Theo Trung tâm Ung thư Quốc gia, năm 2022, có 11.000 người tử vong vì ung thư thực quản tại Nhật Bản, trong khi ung thư dạ dày cướp đi sinh mạng của 41.000 người.

Ngoài thuốc chống ung thư, hiện còn có liệu pháp miễn dịch sử dụng chất ức chế các phân tử kiểm soát miễn dịch, giúp kích hoạt các tế bào miễn dịch duy trì khả năng chống lại các tế bào ung thư. Tuy nhiên, liệu pháp này không hiệu quả với tất cả bệnh nhân ung thư. Điều này đặt ra trăn trở và thách thức cho các chuyên gia trong việc tìm cách tăng cường hiệu quả của phương pháp này.

Trong nghiên cứu của Bệnh viện Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản, có 45 bệnh nhân ung thư đang dùng liệu pháp ức chế phân tử kiểm soát miễn dịch. Quá trình theo dõi và đánh giá chỉ ra, hiệu quả của phương pháp này bị rút ngắn hơn nếu hệ vi khuẩn đường ruột giảm sút.

Các chuyên gia tiến hành cho bệnh nhân đầu tiên dùng một liệu trình gồm 3 loại thuốc kháng khuẩn khác nhau trong một tuần để giảm lượng vi khuẩn đường ruột. Sau đó, tiến hành cấy ghép một loại dung dịch chứa vi khuẩn có nguồn gốc từ phân của những người hiến tặng khỏe mạnh, cấy ghép vào trực tràng. Tiếp theo, bệnh nhân sẽ dùng liệu pháp sử dụng chất ức chế các phân tử kiểm soát miễn dịch.

Phương pháp cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột để điều trị ung thư. Ảnh: Đại học Osaka

Theo Phó Giáo sư Dai Ishikawa tại Đại học Juntendo, cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu, loại thuốc dựa trên hệ vi khuẩn đường ruột đã được Mỹ và Úc dùng điều trị các ca CDI khó chữa. Nhiễm CDI là tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột, với mức độ nghiêm trọng từ tiêu chảy nhẹ đến viêm ruột. Một trong các bệnh đường ruột phổ biến nhất xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh chính là nhiễm trùng đường ruột. Ông Ishikawa cũng nhấn mạnh, các nghiên cứu về sử dụng cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột để điều trị các bệnh trong hệ tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương cũng đang tiến hành ở nhiều quốc gia.

Từ năm 2014, Đại học Juntendo đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng hơn 240 trường hợp cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột. Năm 2023, đại học này bắt đầu điều trị cho bệnh nhân bị viêm loét đại tràng. Nhóm bác sĩ tại trường cũng thành lập một công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học và ra mắt một ngân hàng vi khuẩn đường ruột để thu thập, lưu trữ hệ vi khuẩn đường ruột từ những người khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, một nhóm nghiên cứu bao gồm chuyên gia từ Đại học Kyoto cũng chỉ ra mối liên hệ giữa cảm xúc và hệ vi khuẩn đường ruột từ kết quả nghiên cứu 284 trẻ 3-4 tuổi. Trẻ nhỏ bị mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột thường biểu hiện sự sợ hãi và tức giận.

Nhóm chuyên gia kỳ vọng, nghiên cứu cấy ghép hệ vi khuẩn đường ruột từ người hiến tặng khỏe mạnh cho những bệnh nhân ung thư thực quản và dạ dày sẽ là tiền đề để các bệnh nhân ung thư có thêm lựa chọn điều trị hiệu quả hơn.

Exit mobile version