Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Người trẻ Nhật Bản vật lộn nợ nần vì thẻ tín dụng

Người trẻ thả phanh tiêu tín dụng

Năm 2022, Chính phủ Nhật Bản hạ độ tuổi trưởng thành từ 20 xuống 18 tuổi. Điều này có nhiều ưu điểm, song tình trạng nợ nần ở lứa tuổi 18-20 đã gia tăng một cách đáng báo động.

Trung tâm Thông tin tiêu dùng quốc gia Nhật Bản thống kê cho thấy, năm 2023, số lượng thanh niên cần tư vấn về nợ nần đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt là các bạn trẻ ở độ tuổi 20, với 175 trường hợp, tăng gần gấp đôi so với năm 2021 (90 trường hợp).

Một trong những nguyên nhân là bởi lúc này họ đã đủ tuổi để mở thẻ tín dụng, ký hợp đồng vay tiêu dùng, mà không cần đăng ký người giám hộ.

Một chàng trai 20 tuổi đã phải rời nhà tại Chugoku để chuyển đến một trung tâm bảo trợ xã hội dành cho thanh thiếu niên. Năm 2022, ngay khi vừa tròn 18 tuổi, thanh niên này đã đăng ký mở thẻ tín dụng online. Dù không có công việc và thu nhập ổn định, anh này vẫn thoải mái chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Thậm chí, đã mua tới 7 chiếc điện thoại smartphone đời mới với mục đích sẽ bán lại để kiếm tiền chênh lệch. Tuy nhiên, anh đã thất bại và gánh số nợ 150 man yên. Chàng trai buộc phải tìm đến Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo để được tư vấn và hoàn tất thủ tục phá sản, khi mới 19 tuổi.

Làm thế nào để “thoát bẫy” tín dụng?

Đại diện Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý Nhật Bản cho biết, trường hợp như trên không hiếm gặp. Lý do chủ yếu vì người trẻ không biết cách quản lý chi tiêu, chưa hiểu về lập kế hoạch tài chính, dẫn tới hệ quả đáng tiếc. Ông đánh giá, kiến thức kinh tế và xã hội đóng vai trò quan trọng giúp các bạn trẻ tránh các rắc rối liên quan tới thẻ tín dụng. Các khóa học về tài chính nên được phổ biến rộng hơn cho trẻ vị thành niên, thanh niên Nhật Bản.

Quẹt thẻ tín dụng có thể là “con dao hai lưỡi”. Ảnh: akinai-lab

Luật sư Kunitaka Matsumoto tại tỉnh Kagawa chia sẻ, tổ chức hỗ trợ sinh viên JSLC mong muốn sẽ mở các buổi tư vấn pháp lý dành riêng cho người trẻ về chủ đề tài chính, thẻ tín dụng.

Ông Takashi Kobayashi, Phó chủ tịch Ủy ban Tư vấn tiêu dùng, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đánh giá, số lượng người trẻ tuyên bố phá sản sẽ tiếp tục tăng thêm. Thậm chí có kịch bản xấu nhất là tự tử. Ông mong rằng các bạn trẻ hãy sáng suốt, tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức công như như hiệp hội luật sư, JSLC và trung tâm tư vấn tiêu dùng trước khi khoản nợ trở nên quá lớn.

Khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng, hãy hết sức cẩn trọng bạn nhé!

Exit mobile version