Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Mặt tối của nghề điều dưỡng Kaigo

Chị Nguyễn Thị Thương, 28 tuổi đang làm điều dưỡng viên tại một viện dưỡng lão ở tỉnh Chiba. Khi chuyển shyu ngành điều dưỡng được chừng nửa năm, chị đã sút 3 kg. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, chị gắn bó với công việc này được gần 2 năm.

“Em chọn ngành điều dưỡng vì lúc đầu thấy thu nhập tốt, lương và thưởng đều cao so với nhiều nghề khác. Nhưng làm rồi mới thấy nghề này cũng không an nhàn, tinh thần cũng bị ảnh hưởng khá nhiều”.

Nghề “chăm ông, chăm bà”

Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số cao hàng đầu thế giới. Ngày 15/9/2024 vừa qua, Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố: số người trên 65 tuổi đạt mức cao kỷ lục 36,25 triệu người, tăng 20.000 người so với năm 2023. Xã hội Nhật đang già hóa nhanh chóng, khiến gia tăng nhu cầu các công việc chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi.

Công việc Kaigo hỗ trợ người cao tuổi. Ảnh: pro.kao

Kaigoshi (介護士) trong tiếng Nhật là “Giới hộ sĩ”, tức người chăm sóc. Lao động ngành Kaigo chính là những người đảm nhiệm công việc chăm sóc người cao tuổi.

Công việc muôn phần vất vả

Chăm sóc người cao tuổi thực sự là công việc vất vả. Theo chị Thương, ngay từ khi chọn ngành này cũng đã xác định tư tưởng rằng công việc không hề dễ dàng. Nhưng không nghĩ nó lại khiến bản thân chị cảm thấy kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần.

Các cụ già đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhiều cụ trăm tuổi. Mỗi người một tính cách, thói quen và mỗi cụ lại có bệnh nhẹ, bệnh nền khác nhau. “Ngay khi chăm ông bà của mình, còn có trở ngại, khó khăn, huống hồ đây là người lạ, lại khác văn hoá và ngôn ngữ. Nhiều cụ còn yếu nằm một chỗ, hoặc mắc chứng đãng trí, mất nhận thức”, chị Thương chia sẻ.

Nghề Kaigo hỗ trợ mọi mặt cho người già, nên công việc khá vất vả. Ảnh: pro.kao

Phần việc vất vả nhất với chị Thương là tắm cho các ông bà. “Có những ông mập mạp, ngồi xe lăn, mình và 2 bạn nữa hợp sức mới khiêng được ông. Nhìn các ông, bà già yếu, không thể tự chủ tắm gội, nhiều lúc thấy thương. Nhưng có ông bà không thích người ngoại quốc. Mình vừa tắm cho vừa được nghe họ chửi mắng, xua đuổi. Những lúc như vậy cảm thấy tủi thân lắm, chỉ muốn trốn vào góc phòng khóc thật to”, chị Thương buồn bã nói.

Một vài đồng nghiệp của chị đã có lần còn bị cụ ông “dê xồm” lợi dụng động chạm các khu vực nhạy cảm. Nhưng theo chị, với ngành này, sức khoẻ bệnh nhân là trên hết. Dù hậm hực nhưng mặt vẫn phải cười tươi, lòng tủi thân tức tối mà vẫn phải phải cắn răng chịu đựng.

Điều khiến chị Thương ám ảnh nhất là cảnh sáng còn chơi với ông bà, đến nửa đêm ông bà đã ra đi. “Phải thay quần áo, tắm cho họ. Cầm bàn tay lạnh ngắt mà trong lòng trào lên vừa thương cảm cũng vừa sợ hãi”.

Tuy vậy, ngẫm lại, chị vẫn thấy nghề Kaigo có những “chấm hồng rực rỡ”, níu chị gắn bó với nghề. “Có những ông bà rất là đáng yêu. Họ thích tỉ tê nói chuyện với mình. Còn tự tay làm thiệp, quà handmade tặng mình nữa. Rất ấm áp”.

Không phải nghề nào cũng toàn màu hồng hoặc toàn một màu u tối. “Quyết định làm một nghề là phải chấp nhận cả mặt tốt và xấu của công việc đó. Trước khi chọn ngành Kaigo, các bạn hãy cân thật kỹ. Mong bạn sẽ học tập thật chăm chỉ, cố gắng vì tương lai của chính mình nhé”, chị Thương nói.

Exit mobile version