Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Làm gì khi bị bắt nạt, quấy rối ở công ty Nhật?

80% người lao động 20-30 tuổi bị quấy rối, bắt nạt

Tờ Mainichi trích dẫn báo cáo của Dịch vụ Nghỉ việc Momuri thuộc công ty Albatross Co. có trụ sở tại Tokyo. Công ty này đã khảo sát 15.744 người từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2024. Gồm cả nam và nữ từ 15-71 tuổi, trong đó 60% người ở độ tuổi 20 và 20% ở độ tuổi 30.

Trong các hình thức quấy rối, bắt nạt ở nơi làm việc, 33,9% người bị nhiều hình thức quấy rối của cấp trên, 30,2% người gặp tình trạng “Cấp trên ngăn cản tôi nghỉ việc”. Cụ thể gồm: “Sếp hét vào mặt tôi trong các cuộc họp”, “Họ xâm phạm vào cuộc sống cá nhân của tôi” và “Tôi đã đến giới hạn chịu đựng và đến một công ty tư vấn nghỉ việc sau khi cố gắng nghỉ việc, bị sếp kìm hãm nhiều lần”…

Hành vi quấy rối ở nơi làm việc được chia thành nhiều loại. Ảnh: Mainichi

Xếp theo nhóm ngành nghề, những người làm trong ngành dịch vụ bị quấy rối nhiều nhất, chiếm 12,5%, tiếp theo các ngành sản xuất với 12,1%, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với 9,1% và người làm công việc bán hàng chiếm 8,5%.

6 hình thức quấy rối tại nơi làm việc

1/ Bị phớt lờ, cô lập: ngay cả khi bạn chào hỏi ở nơi làm việc, sếp hoặc đồng nghiệp cũng phớt lờ. Họ không nói chuyện với bạn. Khi có tài liệu cần chia sẻ với cả nhóm/phòng, chỉ bạn không được nhận tài liệu…

2/ Bị nói xấu, lăng mạ, sàm sỡ, bạo lực: bị cấp trên, đồng nghiệp cấp cao đấm, đá hoặc bạo hành… Khi bạn nộp tài liệu, họ mắng bạn “Làm lại đi!” và ném tài liệu vào bạn. Bị la mắng, chỉ trích trước mặt đồng nghiệp với những ngôn từ lăng mạ như “ngu ngốc”, “bất tài”, “nên chết đi”…

Cố tình sàm sỡ là hành vi quấy rối nơi công sở. Ảnh: rouki

3/ Yêu cầu, áp đặt công việc vô lý đối với bạn: phải làm khối lượng công việc quá nặng nề, không hợp lý và không thể hoàn thành trong một ngày. Được sếp đưa ra những hạn ngạch, chỉ tiêu cực kỳ khó hoặc không thể đạt được. Thường xuyên bị buộc phải làm việc quá sức vào gần cuối ngày. Bị buộc phải làm công việc mà người khác chịu trách nhiệm nhưng họ không biết cách làm và cũng không có sự bàn giao phù hợp cho bạn.

4/ Đì cho tự nghỉ việc hoặc ép nghỉ việc: Bạn buộc phải làm những việc không liên quan đến chuyên môn của mình như nhổ cỏ, sắp xếp nhà kho. Được giao việc ít hơn đáng kể so với những người khác, khiến lương giảm đi. Khi bạn nói với sếp rằng đã mang thai, họ nói gián tiếp hoặc trực tiếp rằng muốn bạn nghỉ việc.

Bị giao cho khối lượng công việc quá nặng nề, không thể hoàn thành kịp deadline cũng là hành vi quấy rối ở nơi làm việc. Ảnh: kazuma seki

5/ Cản trở công việc, trộm cắp tín dụng, bị vu khống: Sếp chỉ đạo sai nhưng bạn phải chịu trách nhiệm và viết đơn xin thôi việc. Không được cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết để thực hiện công việc. Buộc phải thức suốt đêm hoặc làm thêm giờ vào đêm khuya, nhưng không nhận được tiền tăng ca. Dù đó là lỗi của người khác nhưng mọi người vẫn vu khống, đổ lỗi cho bạn, tin đồn không hay được lan truyền khắp nơi làm việc.

6/ Can thiệp vào đời sống riêng tư: Thường xuyên hỏi thăm quá sâu về gia đình, người yêu. Xem trộm điện thoại của bạn mà không có sự cho phép. Hành tung của bạn bị gắn định vị bằng điện thoại di động trang bị GPS…

Bị quấy rối tại nơi làm việc, bạn nên làm gì?

Để bảo vệ bản thân tại nơi làm việc, ngay khi bạn bị đối xử như 6 hình thức quấy rối trên, hãy thực hiện các bước sau:

Bước 1: Báo cáo với cấp trên

Nếu bị bắt nạt, quấy rối ở nơi làm việc, điều đầu tiên bạn nên làm là nói chuyện với sếp. Nếu bạn bị sếp bắt nạt, hãy báo cáo việc đó với sếp của sếp, bộ phận nhân sự, hoặc bộ phận tư vấn nội bộ.

Bắt nạt tại nơi làm việc không chỉ là vấn đề đối với nạn nhân và thủ phạm. Các công ty có nhiệm vụ ngăn chặn hành vi bắt nạt tại nơi làm việc. Đạo luật Cơ hội Việc làm và Bình đẳng được sửa đổi tháng 1/2017, cùng Đạo luật Ngăn chặn Quấy rối quyền lực được ban hành tháng 5/2019 yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo quyền cho người lao động tại nơi làm việc.

Thay vì chịu đựng cảm xúc tiêu cực, hãy mạnh mẽ báo cáo sự việc với cấp trên. Ảnh: HRPro

Thủ phạm quấy rối có thể bị kỷ luật theo quy định làm việc, mất uy tín, mất chức và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, các công ty dung túng cho hành vi quấy rối cũng có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý. Các công ty thiếu tiêu chuẩn đạo đức có thể mất uy tín xã hội, thậm chí chịu tổn thất tài chính.

Chính vì vậy, hãy lên tiếng để bảo vệ bản thân. Tùy vào cách xử lý của sếp, công ty và nếu tình trạng quấy rối diễn tiến nghiêm trọng hơn, bạn có thể báo cáo cơ quan chức năng hoặc thực hiện hành động pháp lý. Trước đó, bạn cần lưu lại các bằng chứng về hành vi quấy rối (tin nhắn, email, giấy chứng nhận y tế của bác sĩ…), thời điểm xảy ra…

Bước 2: Thực hiện các biện pháp để tránh bị quấy rối

Để có thể tự bảo vệ khỏi hành vi bắt nạt, quấy rối, có thể tìm hiểu lý do tại sao bạn lại bị bắt nạt. Những người dễ bị bắt nạt có thể được chia thành nhiều loại như dưới đây:

Bạn có thể tìm cách điều chỉnh để xây dựng mối quan hệ tốt hơn với mọi người, hoặc để thích nghi tốt hơn trong môi trường làm việc mới ở nơi khác.

Bước 3: Tự chăm sóc tinh thần

Trong một số trường hợp, dù sếp hoặc công ty có biện pháp hỗ trợ cho bạn khi bị quấy rối, bạn vẫn có thể cảm thấy buồn chán, tâm trạng tồi tệ, thậm chí trầm cảm. Nhiều người còn tự dằn vặt chính mình là nguyên nhân cho mọi chuyện.

Lúc này, hãy cố gắng thư giãn, đừng đổ lỗi cho bản thân. Tập trung chăm sóc sức khỏe tâm thần bằng cách làm những điều bạn yêu thích. Một cách hữu ích khác là chia sẻ, tâm sự với người thân. Họ sẽ an ủi, vỗ về và giúp bạn quên đi áp lực.

Chăm sóc tinh thần giúp bạn lấy lại nguồn năng lực tích cực. Ảnh: ABC.es

Sau tất cả, nếu hành vi quấy rối vẫn tiếp diễn ở nơi làm việc, bạn có thể lựa chọn rời khỏi và tìm một công ty tốt hơn nhé.

Exit mobile version