Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Kinh nghiệm chăm sóc bé mắc bệnh Kawasaki ở Nhật

4 sáng, chị Ngọc Huyền (29 tuổi, Ibaraki) giật mình tỉnh dậy vì tiếng khóc của con trai 3 tuổi. Sờ đầu Tùng Lâm, chị thấy con sốt cao, kiểm tra nhiệt kế, con sốt 39 độ. Chị Huyền lấy thuốc hạ sốt cho bé uống.

Ngày hôm sau, thấy con chỉ hạ sốt được 5-6 tiếng sau khi uống thuốc, rồi lại sốt cao trở lại, lòng chị không yên. Chập tối, bé sốt tới 41 độ, người con lúc nào cũng nóng như hòn than và ngủ li bì. Bé có biểu hiện mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi mẩn đỏ đốm chấm như quả dâu tây, đầu ngón chân và ngón tay bị bong da, người mẩn đỏ từng mảng, hạch nổi lên ở cổ. Hai vợ chồng chị vội vàng đưa con nhập viện.

Sau khi thăm khám, xét nghiệm, siêu âm tim, kết quả xét nghiệm máu chỉ số bạch cầu và CRP tăng cao, siêu âm tim cho thấy kích thước động mạch vành giãn nhẹ, các bác sĩ chẩn đoán bé Lâm mắc bệnh Kawasaki.

Bệnh Kawasaki được bác sĩ Nhật Bản Kawasaki Tomisaku phát hiện lần đầu vào năm 1961. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, tỷ lệ bệnh ở trẻ trai cao hơn so với trẻ gái. Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa xác định được rõ ràng nên chưa có biện pháp phòng ngừa. Giới y khoa cho rằng, bệnh có thể liên quan đến nhiễm vi trùng hoặc siêu vi trùng, hay liên quan đến phản ứng miễn dịch.

Biểu hiện của bệnh nhi gồm sốt cao từng cơn, kèm nổi ban đỏ trên da, mắt xung huyết, lưỡi đỏ nổi gai, sưng hạch góc hàm, loét hậu môn, sinh dục… Thuốc hạ sốt thông thường không thể cắt hẳn cơn sốt. Bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo phác đồ với thuốc đặc hiệu Immuno Globulin.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng tim mạch nguy hiểm đến tính mạng của trẻ như phình giãn động mạch vành tim, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến hậu quả nhồi máu cơ tim; hoặc hẹp tắc động mạch vành, thiếu máu cơ tim, suy vành mạn tính.

Một số triệu chứng khi trẻ mắc bệnh Kawasaki. Ảnh: Kompas

Hiện nay, bệnh Kawasaki hoàn toàn có thể điều trị được nếu trẻ được đưa đến bệnh viện sớm, phát hiện kịp thời và điều trị theo đúng phác đồ, ngăn ngừa biến chứng trong vòng 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát.

Lắng nghe lời giải thích của bác sĩ, vợ chồng chị Huyền cảm thấy đỡ lo lắng và yên tâm tuân theo chỉ định của bác sĩ. Trong 5 ngày bé Lâm ở viện, con đáp ứng thuốc. Đến 5h sáng ngày thứ sáu, bé bắt đầu hạ sốt còn 37,5 độ. “Cô y tá vào đo thấy còn 37,5 độ cũng reo lên mừng cùng với mình. 8h sáng mình đo lại nhiệt độ thì con hạ chỉ còn 36,8 độ. Mừng phát khóc. Bác sĩ đến kiểm tra, nói theo dõi thêm 2 ngày tới. Nếu con không sốt nữa là có thể xuất viện”, chị Huyền nghẹn ngào.

Sau 8 ngày, bé Lâm đã khỏe mạnh trở về nhà. Theo chị Huyền, đây là trải nghiệm khó quên với hai vợ chồng trong suốt hành trình nuôi con. Chị cũng tuân thủ lịch tái khám cho con theo lời bác sĩ căn dặn. Sau xuất viện 2 tuần tái khám, và khám tiếp ở các mốc 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và 2 năm. Phác đồ này nhằm kiểm tra con có bị ảnh hưởng tim không.

Chị Huyền nhắn nhủ các phụ huynh cũng lưu ý cần theo dõi khi con bị sốt và có các triệu chứng như trên. Đưa trẻ đến bệnh viện thay vì chủ quan chăm sóc tại nhà nếu trẻ bị sốt 2-3 ngày không khỏi, nguy cơ bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị bệnh. Điều này giúp phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm như Kawasaki, giúp điều trị hiệu quả và tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của con.

Exit mobile version