Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Đồng yên yếu khiến người Việt dịch chuyển sang nước khác làm việc

Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng suy giảm dân số nghiêm trọng, khiến các doanh nghiệp nước này “khát” nhân sự, ngày càng tìm kiếm nguồn lao động từ nước ngoài. Hiện Nhật có hơn 2 triệu lao động nước ngoài, tính đến tháng 10/2023. Người Việt hiện là cộng đồng đông đảo nhất, với 520.000 người. Tuy nhiên, theo trang Nippon, số lượng người lao động Việt Nam đến Nhật đang bắt đầu giảm, nhất là các thực tập sinh kỹ thuật.

Trước và sau đại dịch Covid-19, có 99.170 thực tập sinh Việt Nam đến Nhật. Tới năm 2022, con số này giảm còn 83.403 người. Trong khi đó, số lượng thực tập sinh mới nhập cảnh của Indonesia đã tăng từ 15.746 người vào năm 2019 lên 30.348 vào năm 2022.

Nhà báo Sawada Akihiro, biên tập viên của Tomoiki Journal đã đến Hà Nội thăm 6 công ty phái cử, chuyên đào tạo các thực tập sinh sang Nhật Bản. Đại diện 6 công ty này đều khẳng định, số ứng viên sang Nhật diện thực tập sinh đang giảm 30%.

Chi phí sang Nhật quá đắt, nhiều thực tập sinh vỡ mộng

Sau thảm họa động đất sóng thần khủng khiếp ở Đông Bắc Nhật Bản năm 2011, quá trình tái thiết khu vực này đã cần đông đảo lượng lao động Việt. Trước đây, Trung Quốc là nguồn cung cấp lao động chính cho Nhật Bản, nhưng sự phát triển kinh tế vượt bậc của đất nước này khiến việc làm tại Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn hơn. Thảm họa ở Đông Bắc Nhật Bản cũng khiến lượng lớn người Trung Quốc rời đi. Việt Nam trở thành quốc gia thay thế, cung cấp nguồn lao động dồi dào cho nước Nhật.

Vào cuối năm 2012, mới chỉ có 52.000 người Việt Nam cư trú tại Nhật Bản. Nhưng sau 7 năm, con số này đã tăng lên tới 412.000 người, phần lớn đến từ nguồn lao động là các thực tập sinh, với 219.000 thực tập sinh tính đến cuối năm 2019, chiếm 53% tổng số thực tập sinh tại Nhật.

Việc gửi thực tập sinh đến Nhật Bản đã phát triển trở thành một ngành kinh doanh dịch vụ béo bở. Các công ty phái cử “mọc lên như nấm”. Ngoài tham gia vào việc bảo đảm số lượng thực tập sinh, họ còn mạnh tay chi tiền hoa hồng cho các đơn vị trung gian giới thiệu lao động cho các công ty, xí nghiệp ở Nhật.

Các thực tập sinh tương lai đang tập thể dục tại một trung tâm phái cử ở Hà Nội. Ảnh: Sawada Akihiro

Mặt tối bị lộ ra còn cho thấy, nhiều công ty phái cử sẵn sàng dẫn các đại diện trung gian này tới các hộp đêm và các dịch vụ “nhạy cảm”. Trong khi ít chú trọng tới chương trình đào tạo và các cuộc phỏng vấn của các thực tập sinh tiềm năng. Có những trường hợp các công ty phái cử trả cho các đại diện trung gian là 1.000 USD tiền hoa hồng/thực tập sinh nếu bạn thực tập sinh này được công ty Nhật nhận.

Giám đốc điều hành tại một công ty phái cử, nơi gửi 1.500 thực tập sinh sang Nhật Bản mỗi năm, tiết lộ: “Chúng tôi lấy khoảng 7.000-8.000 USD chi phí trọn gói cho mỗi thực tập sinh muốn sang Nhật làm việc. Sau khi trừ chi phí tuyển dụng, đào tạo, tiền hoa hồng và các chi phí khác, chúng tôi vẫn kiếm được 1.500 USD trên mỗi thực tập sinh”.

Người này còn cho biết, công ty phái cử của họ không nói với các thực tập sinh về chi tiết công việc một cách chính xác. Chỉ hướng dẫn sơ sài cho thực tập sinh về cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn với công ty bên Nhật.

Việc các công ty phái cử không coi trọng đào tạo nhân lực khiến chất lượng thực tập sinh Việt đã giảm sút. Đồng thời, nhiều người lao động vỡ mộng khi sang tới Nhật, phải làm các công việc khắc nghiệt không giống với hứa hẹn của bên phái cử.

Đồng yên yếu càng giảm sức hấp dẫn của Nhật Bản

Vài năm trở lại đây, nhất là năm 2024, đồng yên suy yếu quá nhiều so với đồng USD. Tỷ giá thấp khiến đồng lương nhận về quy đổi ra VND trở nên ít hơn. Tháng 2/2022, 1 yên quy đổi được hơn 200 VND, nhưng đến tháng 6/2024, giá trị của nó thậm chí giảm xuống dưới 160. Trong khi vật giá leo thang, chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Nhiều người Việt Nam đang cảm thấy nước Nhật trở nên kém hấp dẫn.

“Trước đây, hầu hết 1 vị trí tuyển dụng thực tập sinh có tới 3 ứng viên ứng tuyển. Nhưng bây giờ quá khó để có đủ 2 ứng viên”, đại diện một công ty phái cử nói. Vị này còn nhận định, một phần nữa là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang khởi sắc. Nhiều ứng viên thực tập sinh mong muốn sau khi trừ hết tiền thuế, bảo hiểm, tiền thuê nhà, họ có thể nhận về 120,000 yên/tháng, hoặc 150,000 yên nếu tăng ca.

Chưa kể, nhiều thực tập sinh đến Nhật Bản với gánh nặng những khoản nợ lớn. Khảo sát của Cơ quan Dịch vụ Di trú năm 2022 cho thấy, 55% thực tập sinh gánh nợ trước khi đến Nhật Bản. Trong đó, thực tập sinh Việt Nam gánh nợ nhiều nhất, trung bình là 674,480 Yên (hơn 5.000 USD theo tỷ giá hối đoái trung bình của năm 2022).

Ký túc xá cho các ứng viên thực tập sinh, thuộc một công ty phái cử ở Hà Nội. Ảnh: Sawada Akihiro

Trong khi đó, khảo sát của Tổ chức Thương mại Đối ngoại Nhật Bản thống kê: mức lương trung bình hàng tháng trong ngành sản xuất của Việt Nam là 273 USD vào năm 2023. Điều này cho thấy các khoản nợ quá lớn đang đè nặng lên vai các thực tập sinh Việt Nam. Đây có thể là gốc rễ khiến họ càng bế tắc, rơi vào phạm tội, bỏ trốn.

Để giảm bớt gánh nặng cho thực tập sinh, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã hợp tác với chính phủ Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế để xây dựng mạng lưới tuyển dụng được các công ty Việt Nam và Nhật Bản chứng thực. Mục đích để các công ty Nhật gánh một nửa chi phí đi lại đến Nhật Bản cho các thực tập sinh. Từ năm 2027, sẽ có chương trình đào tạo và việc làm (ikusei shuro), các công ty Nhật Bản trả một phần học phí của thực tập sinh cho các công ty phái cử.

Theo nhà báo Sawada Akihiro, mặc dù điều này đáng hoan nghênh, “nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ đủ sức làm tăng số người lao động Việt Nam sang Nhật làm việc”.

Nhiều lao động Việt đổi hướng sang Hàn Quốc

Nhà báo Sawada Akihiro đã phỏng vấn đại diện công ty Thanh Mai Education, một tổ chức chuyên về du học. Trung tâm có 5 lớp học, mỗi lớp dạy một ngoại ngữ tương ứng với quốc gia mà các bạn trẻ sẽ sang du học. Trong số khoảng 150 học viên, lớp học đông nhất là tiếng Hàn Quốc.

Vị này cho biết, Nhật Bản là quốc gia được ưa chuộng nhất trước đại dịch, nhưng giờ họ chuyển sang Hàn Quốc. Bên cạnh say mê ca nhạc, văn hóa, nhiều người chọn Hàn Quốc vì hệ thống chữ viết Hangul dễ học, chỉ có 24 chữ cái cơ bản, dễ học hơn tiếng Nhật rất nhiều. Chưa kể, họ có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn.

Các thực tập sinh đang học tiếng Nhật tại một công ty phái cử. Ảnh: Sawada Akihiro

Mặc dù là khi sang du học, họ là sinh viên, thì vẫn hướng đến mục tiêu là đi làm và kiếm tiền. Hàn Quốc cũng có cơ chế giới hạn khối lượng công việc mà sinh viên nước ngoài có thể làm, nhưng không nghiêm ngặt bằng Nhật Bản. “Rất nhiều sinh viên nước ngoài đi làm thêm vào cuối tuần và họ có thể kiếm được từ 35-40 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 210,000- 240,000 yên”, đại diện Thanh Mai Education nói.

Hiện nay Hàn Quốc cũng đang thu hút lao động nước ngoài, nhất là đến từ Đông Nam Á. Hạn ngạch nhập cảnh cho lao động nước ngoài được mở rộng từ 60.000 lên 120.000 người vào năm 2023; 165.000 người vào năm 2024. Người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc nhận mức lương trung bình hàng tháng tương đương 285,000 yên trong năm 2023, cao hơn nhiều mức 217,000 yên mà thực tập sinh kiếm được tại Nhật Bản.

Nhà báo Sawada Akihiro cho rằng, điều cần thiết của Nhật Bản lúc này là xem xét mức lương cao hơn mới mong thu hút hay giữ chân nguồn lao động nước ngoài, nhất là người Việt.

Exit mobile version