Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Đến lễ hội Maebashi Hatsuichi mua búp bê Daruma

Lễ hội truyền thống 400 năm

Được tổ chức vào ngày 9/1 hàng năm kể từ những năm 1600, đến nay lễ hội Maebashi Hatsuichi ở thành phố thành phố Maebashi, tỉnh Gunma đã diễn ra suốt hơn 400 năm. Đây là dịp người dân địa phương chào đón những điều may mắn cho năm mới, cầu mong sức khỏe và thịnh vượng.

Nghi thức đốt Daruma của năm cũ. Ảnh: ohmatsuri

Trong khuôn khổ lễ hội, có các nghi thức như đốt búp bê Daruma của năm trước, nghi thức rước lễ, diễu hành qua các con phố. Các gian hàng bày bán búp bê Daruma, vật phẩm phong thủy, đồ ăn đặc sản của địa phương… Mọi người dân, đặc biệt là chủ doanh nghiệp, đến lễ hội với hy vọng có một năm thịnh vượng, phát đạt.

Daruma là gì?

Búp bê Daruma có nguồn gốc từ truyền thuyết về Bồ Đề Đạt Ma, một nhà sư Phật giáo có thể đã sống vào thế kỷ thứ V – VI, người truyền bá giáo lý của Đức Phật khắp Nam và Đông Á. Bồ Đề Đạt Ma đã tự cắt xẻo mình như một hình phạt trong thời gian thiền định trường kỳ không thành công. Con búp bê Daruma phản ánh lịch sử này vì búp bê chỉ có phần đầu và có đôi mắt trống rỗng.

Bên cạnh đó, Daruma có râu hình tròn từ lâu đã là bùa may mắn trong văn hóa Nhật Bản. Người ta tin rằng, một nhà sư trong đền Shorinzan Darumaji ở thành phố Takasaki, Gunma đã tạo ra nó từ khoảng 200 năm trước. Từ đó, Gunma là nơi sản xuất búp bê Daruma lớn nhất tại Nhật Bản. Cách thành phố Maebashi khoảng 30 phút, thành phố Takasaki sản xuất nhiều búp bê nhất trong tỉnh.

Nghệ nhân làm búp bê Daruma. Ảnh: japan.travel

Theo truyền thống, búp bê Daruma được làm bằng kỹ thuật giấy bồi và hầu hết đều được vẽ thủ công bởi những người thợ có kỹ năng điêu luyện. 

Nếu chỉ nhìn qua, các búp bê Daruma có thể trông giống nhau. Nhưng thực tế, mỗi Daruma có thiết kế khác nhau. Mỗi màu sắc đều mang ý nghĩa riêng. Daruma màu đỏ thường thấy nhất, tượng trưng cho may mắn. Màu vàng tượng trưng cho sự giàu có, màu hồng thể hiện sự lãng mạn, màu trắng tượng trưng cho hòa bình, xanh lá cây tượng trưng cho sức khỏe và xanh lam tượng trưng cho thành công trong học tập. 

Khuôn mặt của Daruma cũng tượng trưng cho sự trường thọ. Lông mày có hình dạng như con sếu và bộ râu giống như mai của một con rùa. Điều này bắt nguồn từ câu nói của người Nhật: “sếu sống 1.000 năm, rùa sống 10.000 năm”. 

Mắt của Daruma khi mới mua sẽ trống rỗng. Một bên mắt trái sẽ được tô đầy khi bạn ước một điều ước, bên mắt còn lại sẽ được tô đầy khi điều ước đó thành hiện thực.

Người tham dự lễ hội Maebashi Hatsuichi mua búp bê Daruma. Ảnh: visit-gunma

Không chỉ là bùa may mắn, Daruma còn là lời nhắc nhở chúng ta về lòng kiên trì, động viên bạn tiếp tục làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu. Thiết kế của Daruma giúp nó sẽ bật thẳng trở lại khi bị đẩy ngã, thể hiện tinh thần “ganbaru” của Nhật Bản là tự đứng dậy và thử lại bất kể hành trình có gian nan như thế nào. Ngay cả khi mong muốn hoặc mục tiêu của bạn không thành hiện thực, theo truyền thống, bạn vẫn phải đốt búp bê và cố gắng làm tốt hơn vào năm sau.

Tại lễ hội Maebashi Hatsuichi, mọi người mang theo Daruma cũ của năm trước và đốt chúng trong một đống lửa lớn để cảm ơn vì những điều ước của họ đã thành hiện thực.

Khuôn viên lễ hội có tới 400 gian hàng bày bán búp bê Daruma, đồ trang sức, bùa hộ mệnh, mèo may mắn maneki-neko… Bạn thỏa sức ngắm nghía hàng nghìn con búp bê và mua một con Daruma để cầu nguyện cho năm mới.

Điều thú vị nữa là các gian hàng đều không ghi giá từng sản phẩm. Vì vậy, bạn sẽ cần mặc cả. Cách mua “thuận mua vừa bán” được cho là sẽ mang lại may mắn cho cả người mua và người bán.

Thông tin về lễ hội Maebashi Hatsuichi:
– Thời gian tổ chức: ngày 9/1, từ 10:00 sáng đến 8:00 tối
– Địa điểm: 国道50号(本町一丁目~五差路)・前橋八幡宮境内 (Quốc lộ 50: từ Honcho 1-chome đến ngã năm Gosaiji)

Exit mobile version