Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Dạy con về tiền phù hợp với từng độ tuổi

Với trẻ nhỏ, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên. Chủ đề tài chính cũng không ngoại lệ. Những đứa trẻ được cha mẹ định hướng tốt và cho cơ hội được làm quen với tài chính từ lúc nhỏ, thường có xu hướng quản lý và đầu tư tài chính tốt hơn khi trưởng thành.

Doanh nhân người Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaki, tác giả cuốn “Cha giàu, cha nghèo” từng nói “Nếu bạn không thể dạy con mình về tiền bạc, sau này sẽ có người khác thay thế bạn, chẳng hạn như chủ nợ, cảnh sát, và thậm chí là những kẻ lừa đảo. Nếu để những người này giáo dục con bạn về tài chính, tôi sợ bạn và con cái của bạn sẽ phải trả cái giá đắt hơn”.

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, các phụ huynh nên dạy trẻ về tiền, các nguồn tiền, những khái niệm về tiền, đây là việc nên làm sớm. Khi con bắt đầu học đếm, cha mẹ có thể bắt đầu dạy các bé. Mỗi độ tuổi sẽ có cách nhận thức khác nhau, cha mẹ nên định hướng cho con một cách phù hợp.

Trẻ 3-4 tuổi

Ở độ tuổi này, cha mẹ hướng dẫn con về khái niệm tiền ở mức cơ bản nhất.

Ví dụ, khi đi mua hàng ở siêu thị, bạn nói với con: “Để mua được gói bánh này cho con, mẹ phải trả tiền cho cô thu ngân ở siêu thị. Con không thể tự ý cầm gói bánh về nhà, nếu không trả tiền cho cô”. Bạn cũng có thể hướng dẫn con đưa tiền cho cô thu ngân, và nhờ cô trao gói bánh vào tay bé.

Dạy con về tiền từ sớm giúp bé hiểu giá trị của tiền. Ảnh: Gakken

Trẻ 5-6 tuổi

Theo TS. Whitebread, ĐH Cambridge, ở lứa tuổi này, các bé bắt đầu hiểu giá trị của hàng hóa và định giá. Bạn có thể gợi mở chủ đề này bắt đầu từ các khoản thu nhập và chi tiêu của gia đình, nhất là những khoản tiền gần gũi với trẻ, như mua đồ chơi, thực phẩm trong nhà, vào lúc cả nhà đang ăn cơm hoặc trong giờ sinh hoạt chung của gia đình. Bạn cũng có thể thỉnh thoảng hỏi bé một vài ý kiến trong lúc này để tạo sự gắn kết giữa bé và câu chuyện.

Qua cách kể chuyện của bố mẹ, con háo hức và tò mò. Mặt khác, do tâm lý “muốn thành người lớn”, nhiều trẻ sẽ cảm thấy thích thú khi mình trở thành một phần của những hội thoại tài chính. Từ đó, bạn dễ dàng lồng ghép các lời khuyên về tiền mà không sợ nội dung quá xa lạ, nhàm chán với con.

Từ 5-6 tuổi, nên dạy con về nguồn gốc tiền từ đâu mà có. Ảnh: Asahi

Bên cạnh đó, hãy nói cho con biết nguồn tiền của cha mẹ và mọi người từ đâu mà có. “Con có thấy bố đi làm vất vả từ sáng sớm tới tối mịt mới về không? Bố đi làm để kiếm tiền về, mới có thể mua thức ăn, đồ uống ở siêu thị cho con ăn đó”… Khi rút tiền lĩnh lương, bạn có thể cho trẻ biết “đây là tiền mà mẹ đi làm cả tháng mới có được”.

Ngoài ra, dạy con giá trị của việc chăm chỉ ngay từ nhỏ cũng vô cùng quan trọng. Công việc giúp con phát triển nhiều kỹ năng, xây dựng trách nhiệm và quan trọng hơn cũng là để con trẻ biết tiền không phải tự dưng mà có, mà phải do lao động chân chính. Do đó, thay vì cho con một khoản tiêu vặt hàng tháng, hãy trao đổi với con làm việc vặt để nhận tiền thưởng mỗi khi hoàn thành. Tiền này con có thể mua những thứ mình thích, nhưng cha mẹ vẫn cần giám sát để biết con có sử dụng hợp lý không. Đây là cách giúp con hiểu được giá trị đồng tiền.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những việc cá nhân như tắm gội, học tập hay tự gấp quần áo của mình là trách nhiệm của con, chứ không phải công việc cha mẹ trả công.

Trẻ 7-8 tuổi

Độ tuổi này trẻ có thể nhận thức và biết cách cân đối tiền khi đưa ra quyết định chi tiêu. Đây là thời điểm cha mẹ định hướng cho con về cách kiểm soát, cân bằng giữa ham muốn và khả năng tài chính.

Một cách giúp con thực hành là dùng những chiếc phong bì. Lấy 3 chiếc phong bì, bên ngoài ghi dán nhãn: Cho đi, Tiết kiệm, Chi tiêu. Khi con làm việc nhà được nhận tiền thưởng, hoặc có một khoản tiền thưởng thành tích học tập, bạn hướng dẫn con chia số tiền đó ra. Một phần bỏ vào phong bì Cho đi, tiếp đó bỏ tiền vào phong bao Tiết kiệm, cuối cùng là phong bì cho mục đích Chi tiêu, mua món đồ nào đó con mong muốn. Hoặc thay phong bì bằng 3 chiếc lọ.

Trẻ 7-8 tuổi nên được dạy về cách quản lý tiền. Ảnh: Manetatsu

Thực tế, trẻ em học hỏi được rất nhiều về cách xử lý, quản lý tiền bạc khi quan sát người lớn. Bạn có thể hướng dẫn con cách dùng 3 phong bì đó.

Ví dụ, phong bao Cho đi, để giúp đỡ người nghèo, hay mua quà tặng một người hàng xóm đang khó khăn. Phong bì Tiết kiệm mỗi tháng có thể chuyển vào lợn đất tiết kiệm trong thời gian 1 năm và sẽ sử dụng cho các kế hoạch tương lai. Phong bao Chi tiêu, để mua một vài món đồ cần thiết hoặc yêu thích của con. Con có thể đi vài siêu thị, cửa hàng để khảo sát giá của món đồ, trước khi quyết định mua ở đâu có giá rẻ hơn, và con cần ghi sổ lại đã mua gì, giá bao nhiêu…

Mong rằng những định hướng về tư duy tài chính sẽ giúp xây dựng tính cách và thái độ lành mạnh đối với tiền bạc cho bé yêu của bạn.

Exit mobile version