Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Dạy con về tiền bạc từ khi mẫu giáo

Chị Trang Nhung, 32 tuổi, sống tại Wakayama, có hai bé gái 3 tuổi và 6 tuổi. Chị phân vân không biết có nên dạy con về tiền từ bây giờ hay đợi con lớn hơn. Bình thường cho hai con đi siêu thị, chị có giải thích sơ sơ với con về tiền. “Mình bảo con ‘đây là tiền, mẹ dùng để mua đồ ăn, sữa, trái cây cho các con’, nhưng chỉ dừng lại ở đó, chưa dạy con về giá trị của tiền, hay cần phải lao động mới kiếm ra tiền… Thật là khó”.

Thực tế, dạy trẻ về giá trị của đồng tiền từ khi còn nhỏ tuổi chưa bao giờ là dễ dàng. Theo các chuyên gia, đây là một trong những bài học quan trọng nhất cha mẹ cần dạy con. Tỷ phú Warren Buffet nhận định, sai lầm của cha mẹ là đợi con tới tuổi thiếu niên mới dạy con quản lý tiền bạc, trong khi có thể bắt đầu khi đứa trẻ học mẫu giáo. Việc thấm nhuần giá trị của đồng tiền ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ trở thành những cá nhân hiểu biết và có thể đưa ra những lựa chọn thông minh về tiền bạc.

Thiết lập mục tiêu tiền bạc cho con càng sớm càng tốt

Khi trẻ 3 tuổi đã bắt đầu có những khái niệm sơ khai về tiền khi chúng quan sát cha mẹ.

Thấy mẹ đưa tiền cho cô thu ngân ở siêu thị, thấy cha lấy tiền trong ví để đổ xăng… trong đầu chúng có sự tò mò, nhưng thường không nói ra. Một số đứa trẻ tinh quái còn biết lấy trộm tiền của cha mẹ để tự ý đi mua bánh kẹo. Đây được coi là một trong những hệ quả của việc cha mẹ không dạy con về tiền và xây dựng mối liên hệ lành mạnh với tiền bạc.

Khi 3-4 tuổi, trẻ đã bắt đầu hiểu về tiền. Ảnh: soctama

Khi không được hiểu về đồng tiền, trẻ nghĩ rằng sữa, trái cây luôn sẵn có trên các kệ siêu thị, có thể lấy tùy ý. Tiền được rút từ máy ATM, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, không giới hạn. Vì vậy, bạn nên giới thiệu cho con về tiền giấy để chúng hiểu cơ chế hoạt động của tiền bạc và chi tiêu, từ đó giúp con trẻ liên kết tiền bạc với những điều tích cực.

Dạy con kỹ năng tính toán cơ bản

Dù hiểu khái niệm về tiền và các mệnh giá khác nhau, trẻ vẫn không thể thực hành nếu không có các kỹ năng cộng và trừ cơ bản. Bạn có thể phát cho con tiền lẻ, dạy chúng cách mua đồ, lấy tiền trả lại khi đi siêu thị.

Ví dụ, bạn hướng dẫn con chọn 1 bó rau cải 98 yên, cùng con ra quầy thu ngân, hướng dẫn con lấy đồng xu 100 yên trong ví và tự tay con trả cho nhân viên thu ngân. Khi nhận lại 2 yên, bạn giải thích cho con về giá cả và vì sao lại còn tiền thừa…

Thấm nhuần giá trị của việc kiếm được tiền

Hầu hết các bậc phụ huynh ủng hộ việc cho trẻ một chút tiền tiêu vặt, nhưng không nhiều người dạy con giá trị của việc kiếm được số tiền đó.

Chị Thanh Bình, 30 tuổi, tại Tokyo cho rằng, khi trẻ kiếm được tiền thay vì được cho, điều đó sẽ có ý nghĩa hơn, vì chúng sẽ nỗ lực kiếm tiền. Trẻ sẽ không coi việc có tiền là điều hiển nhiên. “Kiếm tiền từ những công việc đơn giản như giúp mẹ quét nhà, rửa bát, sau đó tiết kiệm để mua thứ gì đó cũng là một bài học hay ho cho các bé”, chị nói.

Hướng dẫn con làm việc để kiếm tiền ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh: Business Insider Japan

Vì việc kiếm tiền không dễ dàng, nên đôi khi cha mẹ không thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của trẻ. Trong vài tình huống, bạn có thể nói “không” để từ chối đòi hỏi của con. Ví dụ, con đòi lấy tiền tiết kiệm để mua 1 chiếc ô tô đồ chơi mới, trong khi con cũng đã có rất nhiều chiếc tương tự. Lúc này hãy từ chối và giải thích cho con hiểu.

Có vài trải nghiệm đáng thất vọng khi còn nhỏ và rèn luyện được tính kiên nhẫn sẽ giúp ích cho bé khi lớn lên, hiểu được tầm quan trọng của việc lập ngân sách chi tiêu, trì hoãn đòi hỏi để không mua ngẫu hứng tất cả những gì mình thích.

Phương pháp lập ngân sách 50/20/30

Công thức lập ngân sách đơn giản được nhiều người áp dụng là quy tắc 50/20/30, tức là một nửa số tiền kiếm được sẽ dành cho nhu cầu hàng ngày, 20% số tiền sẽ được dùng để tiết kiệm cho tương lai, trong khi 30% còn lại được chi cho những sở thích cá nhân.

Chị Thanh Bình chia sẻ, chị dạy con gái 5 tuổi quy tắc này: bất cứ khi nào con nhận được tiền, có thể là quà sinh nhật hoặc thu nhập từ làm việc nhà, hãy chia số tiền đó thành 3 loại trước khi tiêu.

Hướng dẫn con chia tiền tiết kiệm thành 3 quỹ. Ảnh: benesse

“Tôi cũng thực hiện mẫu để con nhìn thấy hiệu quả. Khi có lương, tôi chia làm 3 phong bì theo nguyên tắc trên. Riêng phong bì 20% tiết kiệm tôi còn dẫn con ra cây yucho làm thủ tục chuyển tiền tới DCOM gửi về Việt Nam tiết kiệm. Nói với con đây là tiền cha mẹ tiết kiệm cho gia đình. Cuối tuần đi siêu thị, tôi lấy tiền từ phong bì 50% chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày, con nhìn thấy mẹ mua nhu yếu phẩm cho gia đình.  Với khoản 30% cho sở thích, ví dụ cuối tuần cả nhà đi vườn thú, tôi sẽ nói với con vé vào cửa trích từ quỹ này”, chị Bình nói.

Dạy con quản lý tiền bạc từ sớm, cũng là giúp con hạnh phúc hơn và độc lập hơn về tài chính khi trưởng thành.

Exit mobile version