Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Chọn CLB năng khiếu cho bé tiểu học ở Nhật

Với rất nhiều gia đình Việt sinh sống tại Nhật Bản, ngoài khó khăn hòa nhập môi trường làm việc và sinh hoạt, còn có nhiều nỗi lo về các thủ tục liên quan tới lĩnh vực giáo dục. Từ khi bé đi nhà trẻ, tới lên cấp 1 và các cấp cao hơn, nhiều phụ huynh cho biết, bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa và môi trường giáo dục thành trở ngại không nhỏ.

Chị Thu Phương, 28 tuổi, sống tại Ibaraki cho biết, chị cùng hai con mới sang Nhật 5 tháng. Hiện bé trai lớn vừa vào lớp 1. Chị muốn cho con tham gia một câu lạc bộ giúp con phát huy sở thích vận động. Nhưng chị còn e dè, vì chưa nắm được nhiều thông tin về các câu lạc bộ ở trường, trong khi cả chị và chồng không giỏi tiếng Nhật, lo lắng không thể đồng hành tốt cùng con.

Bé thoải mái lựa chọn câu lạc bộ yêu thích

Ở Nhật, khi các bé vào lớp 1 trở đi, ngoài giờ học chính, các bé còn có thể tham gia rất nhiều câu lạc bộ năng khiếu, từ đàn, hát, khiêu vũ, vẽ, bơi, cho tới các bộ môn thể thao như đá bóng, cầu lông… Chi phí dao động vài nghìn yên một tháng.

Trong các tài liệu hướng dẫn của trường, sẽ có tờ đăng ký câu lạc bộ cho con. Thông thường, các bé lớp 1 sẽ tan học vào 14-15h. Các câu lạc bộ này sẽ giúp quản lý học sinh sau giờ học chính này. Ở đó học sinh sẽ tham gia vui chơi, học tập cùng các bạn đến khoảng 17h, rồi các bé tự về nhà hoặc chờ phụ huynh tới đón.

Một bé gái tham gia CLB vẽ. Ảnh: Artnavi

Kinh nghiệm chọn câu lạc bộ cho con

Chị Ngọc Ánh, 32 tuổi, sống tại Fukui chia sẻ, trước khi quyết định cho bé tham gia câu lạc bộ gì, đầu tiên phụ huynh nên hỏi ý kiến con, xem bé có hào hứng, yêu thích bộ môn đó không. Tránh trường hợp cha mẹ chọn theo mong muốn của bản thân nhưng con không thích bộ môn đó.

“Với trường con nhà mình, khi con học lớp 4 tham gia katsudo thì trường sẽ gửi thông tin các câu lạc bộ con có thể tham gia. Sau đó con có thể học thử, 3 buổi/tuần, xem bộ môn nào con yêu thích thì sẽ tiếp tục duy trì. Tiếng Nhật của con chưa giỏi cũng tham gia được, con vào câu lạc bộ quen thêm bạn bè, cùng trao đổi và điều đó giúp con nhanh quen với tiếng Nhật”, chị Ánh nói.

Với kinh nghiệm đồng hành cùng hai con tham gia nhiều câu lạc bộ năng khiếu ở trường tiểu học, chị Đoàn Thị Hoa, 33 tuổi, sống tại Saitama cho rằng với những bé giàu năng lượng, yêu thích vận động, phụ huynh có thể lựa chọn môn bơi, bóng bàn, cầu lông hoặc các môn võ như karate để giải phóng năng lượng cho con, giúp con mạnh khỏe, phát triển chiều cao, sức bền và thể lực. Còn với các bé gái thích vận động, nhiều mẹ Nhật lựa chọn bộ môn bơi, bóng rổ, cũng giúp con phát triển nhiều kỹ năng, sức bật, sức bền và chiều cao.

“Từ khi tham gia câu lạc bộ, hai bé nhà mình đỡ ốm vặt hẳn đi. Nhìn các con khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ tốt, vui vẻ với bạn bè, mình rất yên tâm”, chị Hoa cười.

Một trận bóng giữa các tuyển thủ nhí ở trường tiểu học. Ảnh: Sfida-sc

Với các bé gái yêu thích các bộ môn nghệ thuật như hát, nhảy, vẽ, piano, làm đồ thủ công… cũng dễ dàng đăng ký các câu lạc bộ ở trường. Tuy nhiên, với các gia đình sống trong apato cách âm tương đối kém, các phụ huynh cần lưu ý nếu muốn chọn học piano cho con. Thông thường, bé được thầy cô chỉ dạy kỹ thuật đánh đàn piano trong giờ và con cần tập luyện thêm tại nhà. Khi gia đình bạn sống tại apato, tiếng luyện piano của con có thể làm phiền tới hàng xóm.

Bên cạnh đó, chị Hoa lưu ý các phụ huynh nếu quá bận rộn thì nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho con theo học bóng chuyền, bóng rổ. “Không phải vì 2 môn này không tốt. Con mình tham gia bóng chuyền gần hai năm, ngoài lịch tập khá nhiều, còn hay đi thi đấu khắp nơi rất vất vả. Mỗi lần đi thi đấu, con dậy lúc 5h sáng, cha mẹ phải đi theo hỗ trợ. Nếu phụ huynh đều làm việc toàn thời gian, sẽ rất khó xin nghỉ để theo các con đi thi đấu”, chị nói.

Hi vọng các phụ huynh sẽ có những chuẩn bị chu đáo nhất cho hành trình mới sắp tới của con.

Exit mobile version