Hãng thông tấn Kyodo cho biết, dự luật sửa đổi luật bảo vệ và quản lý động vật hoang dã cho phép các địa phương phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn so với các biện pháp hiện có – khi chỉ cho phép bắn động vật nguy hiểm nếu nạn nhân đang gặp nguy hiểm trực tiếp.
Dự luật sẽ chỉ định danh sách các loài động vật được coi là nguy hiểm, trong đó có gấu nâu, gấu đen, lợn rừng… Các chính quyền địa phương có thể “bắn khẩn cấp” với những tình huống như gấu ở trong nhà hoặc trong tòa nhà dân cư trong thời gian dài. Chính quyền địa phương sẽ bồi thường cho người dân nếu tòa nhà bị hư hại do đạn bắn.
Tuy vậy, dự luật cũng đặt ra một số điều kiện nhất định cho việc nổ súng. Chẳng hạn như chỉ “bắn khẩn cấp” nếu việc bắt con vật trở nên khó khăn và không có nguy cơ đạn bắn trúng người. Đồng thời dự luật cho phép lãnh đạo thành phố có thể phối hợp với cảnh sát thực thi các biện pháp hạn chế giao thông và ban hành lệnh sơ tán để đảm bảo an toàn cho người dân trong trường hợp nổ súng khẩn cấp.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, khi dự luật được thực thi, trong mùa thu 2025, khi gấu bắt đầu hoạt động nhiều hơn, có thể phần nào kiểm soát các vụ gấu tấn công người. Theo báo cáo của Bộ này, trong năm tài chính 2023 đến tháng 3/2024, đã thống kê con số kỷ lục các vụ gấu tấn công, khiến 219 người bị thương, 6 trường hợp tử vong.