Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Cảnh sát Nhật phối hợp tình nguyện viên Việt lần dấu vết tội phạm

Tờ Asahi Shimbun cho biết, đây là lần đầu ý tưởng này được thực thi tại Nhật Bản. Thông qua sự trợ giúp của các tình nguyện viên bản xứ, cảnh sát có thể tìm ra các bài đăng về các hoạt động bất hợp pháp. Hiện nay, nhiều bài viết của tội phạm thường có nội dung sử dụng tiếng lóng, nếu không có sự giúp sức này, cảnh sát Nhật gặp khó khăn để phát hiện ra.

V.T. Hien, thành viên của nhóm Tình nguyện viên an ninh mạng dành cho cư dân nước ngoài (FRCV), chia sẻ, “Tôi muốn góp phần giảm tội phạm thông qua hoạt động này”. Hien và L.T Na, đều 19 tuổi và hiện đang học tại trường Tokyo Nichigo Gakuin ở Saitama. Ngay cả trong giờ giải lao tại trường, cả hai cô gái trẻ thường tranh thủ vào các hội nhóm trên Facebook để tìm kiếm các bài viết kêu gọi tham gia các hoạt động bất hợp pháp, như mua bán sổ ngân hàng.

Hai thành viên của tổ chức FRCV hỗ trợ cảnh sát Nhật truy vết tội phạm. Ảnh: Asahi Shimbun

Các từ khóa được nhóm của Hien tìm kiếm gồm “sổ ngân hàng”, “sổ tiết kiệm”, “mua”… trên các hội nhóm Facebook mà người Việt tại Nhật thường hay truy cập. Tội phạm sử dụng các từ khóa này làm mồi nhử lôi kéo người nhẹ dạ rơi vào cạm bẫy.

Sau 20 phút, Na nói đã tìm thấy một bài đăng với nội dung mua bán sổ ngân hàng. Cô lập tức chia sẻ hình ảnh bài đăng, đường dẫn URL và bản dịch tiếng Nhật về bài đăng cho cảnh sát Saitama.

Nhóm tình nguyện viên đã giúp cảnh sát phát hiện hơn 100 bài đăng về các hoạt động bất hợp pháp. Trong trường hợp cảnh sát có thể xác định được người đăng bài, người đó có thể bị bắt giữ.

“Thật buồn khi thấy một số đồng hương tham gia vào các hoạt động phạm pháp”, Hien nói.

Tội phạm tăng sử dụng tiếng lóng

Theo cảnh sát, tội phạm nước ngoài viết nhiều bài đăng trên mạng xã hội sử dụng tiếng lóng và chữ viết tắt để tránh bị cảnh sát Nhật Bản phát hiện.

Ví dụ, cố tình viết sai chính tả tiếng Việt “mua” thành “m.u.a”; viết tắt “blx” để chỉ giấy phép lái xe…

Tại Saitama, có khoảng 40.000 người Việt đang sinh sống, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại đây, sau người Trung Quốc.

Cảnh sát tỉnh này đã phát hiện một số tội phạm Việt Nam trao đổi thông tin trên mạng xã hội về việc mua bán tài khoản ngân hàng, giao dịch ma túy và lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, tội phạm thường dùng các chữ viết tắt và tiếng lóng, gây khó khăn cho cơ quan cảnh sát để phát hiện các bài đăng liên quan đến tội phạm.

Chính vì vậy, cảnh sát Saitama đã nhờ đến sự trợ giúp của các trường ngôn ngữ và dạy nghề, nhằm tuyển các tình nguyện viên người Việt hỗ trợ hoạt động đấu tranh với tội phạm. Khoảng 20 sinh viên và nhân viên người Việt đã tham gia tổ chức FRCV từ tháng 7/2023 đến nay.

“Có những từ lóng liên quan đến tội phạm mà chỉ người bản xứ mới có thể phát hiện ra”, một cảnh sát Saitama cho biết. “Chúng tôi hy vọng, các hoạt động của FRCV sẽ giúp bắt giữ nhiều nghi phạm liên quan đến việc bán tài khoản ngân hàng và các tội phạm khác”.

Cảnh sát Saitama đang xem xét sẽ mở rộng sáng kiến hợp tác với tình nguyện viên bản xứ sang nhiều ngôn ngữ khác.

Exit mobile version