Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Cách hành lễ chuẩn mực tại đền thờ Nhật Bản

Tại Nhật Bản, các đền thờ Thần đạo mở cửa chào đón tất cả mọi người, bất kể tôn giáo nào, đều có thể đến thăm.

Dù bạn đến thăm một ngôi đền với lý do gì, như bày tỏ lòng tôn kính với các vị thần, mua bùa may mắn… cũng đều nên học cách thực hiện các nghi thức sanpai (参拝) đúng cách. Các quy tắc khá đơn giản và gần như giống hệt nhau bất kể đền thờ nằm ở vùng nào tại Nhật Bản.

Bước 1: Cúi chào ở cổng

Khi bạn đi trên con đường chính dẫn đến đền thờ, bạn sẽ thấy các cổng Torii (鳥居) – thường được làm từ đá, bê tông hoặc gỗ sơn son. Những cổng đền thờ được coi là ranh giới bước vào không gian linh thiêng của ngôi đền.

Bạn dừng lại bên ngoài cổng Torii và cúi chào 1 lần, cúi chào theo góc 45 độ hoặc gập người sâu nhất có thể. Theo truyền thống, đây là cách bạn chào các vị thần hộ mệnh của đền thờ và xin phép thần đồng ý cho vào khuôn viên đền.

Cúi chào thành kính ở trước cổng Torii. Ảnh: Living in Japan

Bước vào cổng Torii cho tới vào bên trong, bạn nên đi bên trái. Người Nhật quan niệm, phần giữa của con đường dưới Torii được dành riêng cho các vị thần.

Bước 2: Thanh lọc bản thân

Sau khi bước qua cổng, bạn di chuyển đến khu vực chouzuya (手水) thường xây theo kiểu nhà cột gỗ, đặt bồn nước hoặc hồ nước lớn, bên cạnh là một cái muôi, gọi là là hishaku (柄杓). Đây là nơi bạn thanh tẩy bản thân một cách tượng trưng trước khi cầu nguyện tại đền thờ chính.

Bạn sẽ dùng tay phải cầm muôi múc nước ở bồn nước. Chân bước lùi một bước, rồi đổ một ít nước vào lòng bàn tay trái. Sau đó đổi tay và đổ một ít vào tay phải. Tiếp đến, bạn đổ ít nước vào tay trái, đưa vốc nước đưa lên để chạm vào môi, nhưng không uống nước.

Thực hiện các nghi thức thanh tẩy trước khi bước vào khuôn viên chính của ngôi đền. Ảnh: wakore

Nếu vẫn còn nước trong gáo, hãy nghiêng chiếc muôi ngược lên trên để nước chảy xuống quai, sau đó đặt muôi trở lại giá đỡ. Nhiều người sẽ lắc tay cho khô hoặc lau khô bằng khăn tay.

Bước 3: Đến thăm Honden

Gian chính của đền thờ được gọi là honden (本殿), là nơi các vị thần của đền thờ cư ngụ.

Phía trước gian chính thường treo một chuông lớn (鈴) bằng sợi dây thừng dày. Bạn hãy nắm lấy sợi dây thừng và lắc. Chuông sẽ rung lớn. Bạn lặp lại 2 lần. Điều này có ý nghĩa thông báo với các vị thần về sự hiện diện của bạn tại đền thờ.

Ngay cạnh chiếc chuông thường có một hộp lớn bằng gỗ, đá hoặc kim loại, gọi là saisen bakko (賽銭箱) – nơi người ta dâng lễ vật bằng tiền. Bạn có thể dâng nhiều hay ít tùy tâm. Nếu bạn muốn cầu may mắn, có thể muốn dâng một đồng 5 yên. Năm yên trong tiếng Nhật được phát âm là “go-en”, có nghĩa là “may mắn” hoặc “mối quan hệ tốt đẹp”.

Chắp tay cầu nguyện thành kính tại đền thờ. Ảnh: research-tour

Sau khi rung chuông và dâng lễ vật, bạn cúi chào 2 lần. Vỗ tay 2 lần, sau đó chắp tay cầu nguyện. Chụm lòng bàn tay lại với nhau, các ngón tay giữ thẳng để tạo thành tư thế gassho (合掌). Sau khi cầu nguyện xong, bạn cúi chào một lần nữa.

Quá trình cúi chào, vỗ tay và cầu nguyện tại đền thờ được gọi là “nirei, nihakushu, ichirei” trong tiếng Nhật. Nó có nghĩa là “hai lần cúi chào, hai lần vỗ tay, một lần cúi chào”.

Bước 4: Tham quan khuôn viên

Sau khi đã bày tỏ lòng thành kính tại đền, bạn có thể đi bộ xung quanh, ngắm vườn hoặc ghé thăm quầy trong đền để mua omamori (bùa hộ mệnh may mắn) hoặc goshuin (dấu mộc/ấn tự). Một số đền lớn thậm chí có thể có quán trà, quán cà phê hoặc cửa hàng quà tặng trong khuôn viên.

Bước 5: Cúi chào và ra về

Sau khi bạn đã tham quan xong, bạn bước xuống con đường chính dẫn ra cửa đền thờ. Nhớ đi phía bên trái. Khi đến cổng Torii, hãy đi qua, sau đó quay người lại và cúi chào một lần nữa. Đât là cách bạn “nói lời tạm biệt” với các vị thần.

Cho dù ngôi đền Thần đạo lớn hay nhỏ, tất cả mọi người đều được chào đón. Chỉ cần lưu ý một chút về cách hành lễ chuẩn mực trong không gian linh thiêng này sẽ giúp bạn hòa nhập với văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

Exit mobile version