Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

Áp lực tài chính đè nặng lên vai các nghiên cứu sinh quốc tế tại Nhật

Theo thống kê, có khoảng 140.000 nghiên cứu sinh nước ngoài đang học tập tại Nhật Bản. Nhưng so với châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, hỗ trợ tài chính dành cho những sinh viên này còn hạn chế. Điều này trở thành rào càn cho các nghiên cứu sinh nước ngoài muốn chọn Nhật Bản để học tập, nghiên cứu lâu dài.

Nghiên cứu sinh không được hỗ trợ tài chính

Mới đây, tờ Mainichi đã phỏng vấn Luo Wenshu, từng là nghiên cứu sinh học tại Nhật Bản.

Năm 2008, Luo đến Nhật Bản, học tại ĐH Hokkaido theo chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Hải dương Thượng Hải, Trung Quốc. Theo Lou, cô chọn theo học hệ sau đại học tại ĐH Hokkaido bởi nơi này gần quê nhà hơn so với Mỹ hay các nước châu Âu. Trường ĐH Hokkaido cũng được biết đến là nơi có môi trường tốt nghiên cứu về khoa học sự sống, hải dương học, là chuyên ngành mà cô theo học. Sau khi lấy bằng Thạc sĩ tại ĐH Hokkaido, cô tiếp tục theo học lên Tiến sĩ về di truyền học tại ĐH Sokendai và nghiên cứu tại Viện Di truyền quốc gia thuộc tỉnh Shizuoka.

Nhớ lại quãng thời gian bắt đầu học Tiến sĩ, Lou nói, gánh nặng tài chính đè nặng lên vai. Lúc học Thạc sĩ tại ĐH Hokkaido, cô làm việc bán thời gian để xoay sở tài chính. Nhưng khi ở tỉnh Shizuoka, các nghiên cứu chuyên sâu khiến Lou bận rộn tối ngày tại phòng thí nghiệm, viết báo cáo. Cô không thể cùng lúc vừa nghiên cứu vừa đi làm thêm.

Trong khi đó, tiền thuê nhà ở Shizuoka cao hơn vùng Hokkaido. Học phí cho học kỳ thứ hai lên tới hàng trăm nghìn yên, khiến cô áp lực nặng nề. Không còn cách nào khác, Lou đành phải nhờ cha mẹ chi trả học phí. Nhưng cô nghĩ, nếu năm sau đó và xa hơn nữa, tình hình vẫn tiếp tục như vậy, cô sẽ phải tạm gác việc học Tiến sĩ.

Các nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm tại Nhật Bản. Ảnh: weforum

May mắn thay, từ năm thứ hai trở đi, Lou đã xin được học bổng tư nhân dành cho sinh viên nước ngoài, với tổng số tiền là 240.000 yên/tháng. Lou thấy an tâm hơn để tiếp tục con đường nghiên cứu. “Môi trường nghiên cứu ở Nhật Bản không hề kém chất lượng, nhưng lại thiếu sự hỗ trợ cho các nghiên cứu sinh theo học Tiến sĩ.”

Sau khi có tấm bằng Tiến sĩ trong tay, cô tiếp tục nghiên cứu trong một năm nữa với tư cách là nhà nghiên cứu sau Tiến sĩ. Tuy vậy, từ năm 2016, Lou đến Thụy Sĩ, trở thành nghiên cứu viên Tiến sĩ tại Đại học Zurich. Lou cho biết, tại đây được đảm bảo mức lương cao hơn ở Nhật Bản. Cô dồn toàn bộ tâm sức vào lĩnh vực chuyên môn về khoa học thần kinh và di truyền học, nghiên cứu liệu pháp gen cho bệnh Alzheimer…

Theo cô, tại Thụy Sĩ và nhiều nước châu Âu, những người có bằng Tiến sĩ được trọng dụng, đảm bảo nhiều quyền lợi khác nhau giúp họ an tâm tập trung nghiên cứu. “Tôi tự do tài chính hơn so với khi ở Nhật Bản”.
Hơn nữa, có sự khác biệt lớn giữa Nhật Bản và các nước phương Tây trong cách đãi ngộ với các nhà nghiên cứu trẻ. Tại Mỹ và Vương quốc Anh, nhiều viện nghiên cứu và các quỹ cung cấp hỗ trợ tài chính, bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt cho các nghiên cứu sinh Tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Ngoài ra, còn có rất nhiều hỗ trợ cho họ khi kết hôn, sinh con và chăm sóc con cái.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Mitsubishi, phần lớn các nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Nhật Bản không nhận được hỗ trợ tài chính. Đơn vị này cho rằng vấn đề này cần được giải quyết nhanh chóng, cần hỗ trợ kinh tế đầy đủ và toàn diện cho những nhà nghiên cứu sinh tài năng.

Việc làm và mức lương đãi ngộ kém hấp dẫn

Theo Mainichi, Nhật Bản cũng không có chính sách việc làm và mức đãi ngộ tốt cho các nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp, so với Mỹ và châu Âu.

Tháng 3/2024, Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, thuộc Bộ Giáo dục, đã công bố khảo sát về việc làm và con đường sự nghiệp của các nhà nghiên cứu trẻ, bao gồm cả Tiến sĩ và sau Tiến sĩ. Theo đó, mức lương hàng tháng cho các nhà nghiên cứu sau Tiến sĩ như sau:

Ngay cả mức cao nhất cũng chỉ vào khoảng 420,000 – 480,000 yên, thấp hơn mức lương được trả ở các quốc gia phát triển khác.

Luo đã trải nghiệm môi trường nghiên cứu của tại 3 quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản và Thụy Sĩ, bày tỏ sự thất vọng với tình hình này. “Ở bất kỳ quốc gia nào, các nhà nghiên cứu trẻ đều phải đối mặt với điều kiện khó khăn riêng. Nhưng sinh viên ở Nhật Bản phải gánh thêm nợ để tiếp tục việc học”, cô nói. “Áp lực tài chính khiến họ không thể tập trung vào nghiên cứu. Điều này cản trở sự phát triển của khoa học và công nghệ”.

Exit mobile version