Để có thể định cư lâu dài ở Nhật, một số bạn chọn cách nhập tịch – trở thành công dân của Nhật Bản. Tuy vậy, quá trình nhập quốc tịch Nhật Bản trải qua khá nhiều thủ tục, cần chuẩn bị nhiều giấy tờ. Trước hết, bạn cần nắm rõ 7 điều kiện khi muốn nhập tịch Nhật, được quy định tại Luật Quốc tịch Nhật Bản.
1. Điều kiện về địa chỉ (theo Điều 5, Khoản 1-1, Luật Quốc tịch Nhật Bản)
Để xin nhập quốc tịch Nhật Bản, điều kiện đầu tiên là bạn phải sống liên tục ở Nhật Bản ít nhất 5 năm, xét từ thời điểm nộp đơn trở về trước.
Điều quan trọng cần lưu ý là yếu tố “liên tục”. Cụ thể, nếu trong thời gian sống tại Nhật, bạn xuất cảnh tới nước khác (kể cả Việt Nam) trong thời gian dài (ví dụ đi du lịch, về nước sinh con…), hoặc giữa chừng bị bạn bị mất tư cách lưu trú, phải xin lại COE, thì được coi là không liên tục ở Nhật. Do đó, điều kiện 5 năm này sẽ bị tính lại từ đầu.
2. Điều kiện về năng lực (theo Điều 5, Khoản 1-2, Luật Quốc tịch Nhật Bản)
Người nộp đơn xin nhập quốc tịch Nhật Bản cần phải có năng lực về hành vi (khả năng thực hiện các hành vi pháp lý một cách độc lập). Trong trường hợp bị khuyết tật và khả năng hành động bị hạn chế, nhưng nếu có thể tự bày tỏ mong muốn nhập tịch bằng cách nào đó, thì vẫn được xét nhập tịch.
Song song, người nộp đơn phải là người trưởng thành, theo quy định của luật pháp Nhật Bản và Việt Nam.
Từ ngày 1/4/2022, Bộ luật Dân sự Nhật Bản sửa đổi về tuổi trường thành, từ 20 xuống 18 tuổi. Nghĩa là từ ngày này, người đủ 18 tuổi trở lên là người trưởng thành.
Do đó, ở điều kiện này, bạn sẽ đủ điều kiện nhập tịch Nhật Bản khi tại thời điểm nộp hồ sơ bạn tròn 18 tuổi trở lên.
3. Điều kiện về hành vi (theo Điều 5, Khoản 1-3, Luật Quốc tịch Nhật Bản)
Điều kiện này yêu cầu người nộp đơn phải có “hành vi tốt”. Nghĩa là nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật, không thực hiện những hành vi phạm tội, thực hiện các nghĩa vụ công dân như đóng thuế đầy đủ…
Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện những điều này chưa tốt, thì không có nghĩa sẽ mãi mãi không thể nhập quốc tịch Nhật. Trong một số trường hợp, có thể tiếp tục nộp đơn sau một khoảng thời gian nhất định, gửi kèm cùng văn bản giải trình thể hiện sự hối lỗi hoặc thay đổi, thì vẫn có khả năng được cấp phép nhập tịch.
4. Điều kiện về sinh kế (theo Điều 5, Khoản 1-4, Luật Quốc tịch Nhật Bản)
Đây là điều kiện cho thấy bạn có đủ khả năng chi trả sinh hoạt khi định cư Nhật Bản hay không. Phía Nhật Bản sẽ xem xét hoàn cảnh kinh tế của bạn và cả hộ gia đình.
Cần lưu ý rằng hộ gia đình ở đây không chỉ là hộ gia đình trên thẻ cư trú (ví dụ vợ/chồng, con cái), mà còn bao gồm “nhóm những người có mối quan hệ đang chung sống thực tế” (ví dụ bố/mẹ sang chăm con của bạn và đang sống cùng gia đình bạn…). Trong một số trường hợp đặc biệt, điều kiện này sẽ được nới lỏng.
5. Điều kiện không mang 2 quốc tịch (theo Điều 5, Khoản 1-5, Luật Quốc tịch Nhật Bản)
Theo Luật Quốc tịch Nhật Bản, công dân nước này chỉ được mang duy nhất quốc tịch Nhật. Do đó, khi nhập quốc tịch Nhật Bản đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Thủ tục từ bỏ quốc tịch Việt Nam phải được hoàn tất trước khi làm thủ tục xin nhập tịch Nhật.
6. Điều kiện tuân thủ hiến pháp (theo Điều 5, Khoản 1-6, Luật Quốc tịch Nhật Bản)
Điều kiện này yêu cầu người nộp đơn phải tuân thủ hiến pháp Nhật Bản. “Bất kỳ ai có mục đích muốn tiêu diệt Chính phủ Nhật Bản bằng bạo lực, hoặc những người đã thành lập hoặc đang tham gia một tổ chức tương tự như vậy đều không được phép nhập tịch” – quy định này cũng được ghi rõ trên website của Bộ Tư pháp Nhật Bản.
7. Điều kiện về năng lực tiếng Nhật
Đây là điều kiện không được quy định rõ ràng trong Luật Quốc tịch Nhật Bản. Nhưng trên thực tế sẽ trở thành điều kiện cần thiết giúp hồ sơ của bạn được đánh giá tốt hơn.
Yêu cầu phải có trình độ tiếng Nhật (đọc, viết, nói) tương đương với trình độ từ vựng của học sinh tiểu học Nhật Bản, nhằm đảm bảo việc duy trì sinh hoạt, không ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Việc kiểm tra năng lực tiếng Nhật không áp dụng cho tất cả người nộp đơn, hội đồng xét duyệt hồ sơ nhập tịch sẽ chỉ yêu cầu với số ít cá nhân.
Các trường hợp ngoại lệ
Dưới đây là những trường hợp ngoại lệ được áp dụng cho người nước ngoài khi làm thủ tục nhập quốc tịch Nhật Bản.
- Sinh ra ở Nhật Bản (được nới lỏng về điều kiện địa chỉ)
Theo Điều 6, Khoản 1-2 của Luật Quốc tịch Nhật Bản quy định về người sinh ra ở Nhật Bản có địa chỉ hoặc cư trú tại Nhật Bản từ 3 năm trở lên, hoặc có cha/mẹ ruột (không bao gồm cha mẹ nuôi) được sinh ra ở Nhật Bản.
Nghĩa là nếu bạn sinh ra ở Nhật Bản, có thể được cấp phép nhập tịch ngay cả khi ở Nhật Bản dưới 5 năm, với điều kiện tiên quyết là bạn phải có địa chỉ ở Nhật.
Ví dụ, khi bạn sinh ra tại Nhật Bản và mới từ nước ngoài trở về Nhật, cư trú ở Nhật khoảng 3 năm, bạn có thể nộp hồ sơ nhập quốc tịch ngay lập tức nếu cha/mẹ ruột cũng sinh ra ở Nhật.
- Người phụ thuộc của người Nhật (được nới lỏng điều kiện địa chỉ và điều kiện năng lực)
Nếu bạn có địa chỉ ở Nhật Bản và thuộc 1 trong hai mục dưới đây thì bạn không cần phải có thời gian lưu trú 5 năm, không cần đủ tuổi vị thành niên mà vẫn có khả năng xin nhập tịch.
① Có 3 năm trở lên sống ở Nhật và kết hôn với người Nhật.
② Kết hôn với người Nhật 3 năm trở lên và có 1 năm cư trú tại Nhật.
Ngoài ra, nếu cả hai vợ chồng bạn đều là người Việt, nhưng một người đã có đủ 7 điều kiện được cấp phép nhập tịch ở trên thì người còn lại cũng có khả năng xin nhập tịch đồng thời, tương đương với điều kiện của “người phụ thuộc của người Nhật”.
- Con ruột của người Nhật (được nới lỏng điều kiện địa chỉ, điều kiện năng lực và điều kiện về sinh kế)
Điều này được quy định tại Điều 8, Khoản 1-1 của Luật Quốc tịch Nhật Bản: “Con của công dân Nhật Bản (không bao gồm con nuôi) có địa chỉ tại Nhật Bản thì dù chưa đáp ứng được điều kiện địa chỉ, điều kiện năng lực hay điều kiện về sinh kế cũng có khả năng được cấp phép nhập tịch”.
- Thứ tư: Con nuôi của người Nhật (được nới lỏng điều kiện địa chỉ, điều kiện năng lực, điều kiện về sinh kế)
Những điều kiện được nới lỏng khi nhập tịch (địa chỉ, năng lực, sinh kế) cũng tương tự trường hợp con đẻ của người Nhật đã nêu trên. Tuy nhiên, để được áp dụng sẽ hơi khác so với trường hợp con đẻ.
Cụ thể: Con nuôi của công dân Nhật Bản, cư trú ở Nhật liên tục trên 1 năm và là trẻ vị thành niên theo Luật của nước sở tại tại thời điểm nhận con nuôi.
Đối với trường hợp con đẻ, chỉ cần hiện tại bạn đang ở Nhật thì đã thoả mãn được điều kiện về địa chỉ. Với trường hợp con nuôi, bạn phải cư trú ở Nhật liên tiếp 1 năm trở lên và có thêm điều kiện giới hạn độ tuổi nhận con nuôi.
Trên đây là toàn bộ các điều kiện để được xét nhập quốc tịch Nhật Bản. Ở những bài sau, DCOM sẽ giới thiệu quy trình thủ tục thực hiện nộp hồ sơ xin nhập tịch. Nếu bạn có thắc mắc, có thể gọi điện hoặc đến Bộ Tư pháp Nhật Bản để được giải đáp cụ thể.