Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

4 lưu ý giúp tăng tỉ lệ đỗ visa vĩnh trú

Theo chị Thu Phương, đại diện một công ty luật tại Kanagawa, vài năm trở lại đây, Cục Xuất nhập cảnh Nhật gia tăng các yêu cầu khắt khe trong quy trình xét duyệt hồ sơ xin visa vĩnh trú (永住権). “Chúng tôi tiếp nhận nhiều hồ sơ nhận được yêu cầu phải giải trình từ Cục. Sau khi tham vấn cho khách hàng và nộp giấy tờ bổ sung, hầu hết đều ra visa”, chị nói. 

Tuy nhiên, chị Phương nhận định, khi chuẩn bị hồ sơ xin visa vĩnh trú, cần chu toàn các loại giấy tờ, không để tiếp diễn tình trạng giải trình quá nhiều, vừa tốn thời gian, công sức, đôi khi còn trượt visa. Trong đó, ngoài xuất trình giấy tờ về thuế, người lao động cần thực hiện đúng các nghĩa vụ thanh toán bảo hiểm lương hưu (nenkin); nộp giấy chứng nhận về tình trạng nộp thuế 国税その3 (thuế quốc dân loại 3) gồm thuế khấu trừ, thuế tiêu thụ, quà tặng… Cụ thể cần lưu ý 4 vấn đề dưới đây:

1/ Thu nhập hàng năm

Thu nhập hàng năm (nenshyu) là một trong những điểm quan trọng nhất đối với việc được cấp vĩnh trú hay không. Mặc dù có khác biệt tùy thuộc vào khu vực sinh sống và loại visa, nhưng mức tiêu chuẩn cho thu nhập hàng năm là khoảng 300 man yên/năm (mức này dựa vào thực tế chứ không được quy định trong hướng dẫn của Cục Xuất nhập cảnh).

Trước đây, đối với visa lao động, khi xin vĩnh trú chỉ cần nộp giấy tờ của thu nhập trong 3 năm gần nhất. Tuy nhiên từ ngày 1/7/2019, Luật đã thay đổi: yêu cầu nộp giấy thu nhập và đóng thuế trong vòng 5 năm năm gần nhất. Đối với visa của người phụ thuộc, trước đây chỉ cần yêu cầu nộp thu nhập và tình trạng đóng thuế của 1 năm gần nhất, nhưng hiện nay cần nộp của 3 năm gần nhất.

Với những trường hợp thu nhập hàng năm dưới 300 man, vẫn có khả năng được cấp vĩnh trú nếu bạn chứng minh được nguồn thu nhập ổn định và có thể duy trì được cuộc sống tại Nhật.

2/ Quy định về số người phụ thuộc

Nếu bạn đăng ký cha mẹ hoặc anh chị em là người phụ thuộc, bạn có thể nhận được một khoản khấu trừ thuế thu nhập nhất định (nói cách khác là xin giảm thuế). Tuy nhiên, điều này cũng có ảnh hưởng tới việc xin xét vĩnh trú. Nhiều trường hợp bị rớt vĩnh trú vì đang có nhiều người phụ thuộc so với thu nhập hàng năm.

Thực tế, Cục Xuất nhập cảnh không cấm việc nhận khấu trừ người phụ thuộc. Khi Cục xem xét đơn xin vĩnh trú mà có người phụ thuộc, họ sẽ xét rằng, với thu nhập của bạn liệu có thể duy trì cuộc sống ổn định tại Nhật khi có số lượng người phụ thuộc đó hay không? Do đó, nếu trường hợp thu nhập của bạn không quá cao, nên giảm số người phụ thuộc, giúp tăng tỉ lệ đỗ vĩnh trú.

3/ Tình trạng số ngày về nước quá nhiều trong 1 năm

Có trường hợp hồ sơ xin vĩnh trú bị từ chối dựa trên việc xuất cảnh thời gian dài hoặc tần suất xuất cảnh quá nhiều. Những bạn dành hơn nửa năm ở nước ngoài trong một năm có nhiều khả năng bị đánh giá là không có địa chỉ ở Nhật Bản, điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị từ chối cấp visa vĩnh trú.

Tuy nhiên, trong trường hợp bạn phải xuất cảnh thường xuyên hoặc dài ngày vì công việc, thì cần có văn bản giải thích chi tiết lý do.

4/ Tình trạng chưa đóng hoặc đóng trễ nenkin

Người nước ngoài cũng như người Nhật, khi trên 20 tuổi và có địa chỉ tại Nhật Bản phải tham gia chế độ bảo hiểm lương hưu (nenkin). Nếu bạn đi làm, công ty thường sẽ trừ khoản này trực tiếp vào tiền lương. Tuy nhiên, một số trường hợp phát sinh khoản nenkin từ thời đi học… Bạn nên liên lạc tới văn phòng nenkin để xem tình trạng mình có đóng đầy đủ không. Nếu không đóng nenkin, chắc chắn sẽ trượt vĩnh trú.

Bạn hãy xem xét hồ sơ của mình thật kỹ trước khi nộp nhé.

Exit mobile version