Site icon DCOM – Ngôi nhà Nhật Bản

3 lễ hội khỏa thân hadaka matsuri nổi tiếng tại Nhật

Hadaka matsuri là lễ hội khỏa thân, đã có truyền thống lâu đời tại nhiều vùng ở Nhật Bản. Với ý nghĩa thanh tẩy những điều xấu, xui xẻo của năm cũ, bày tỏ hy vọng về sự may mắn, hòa bình trong năm mới. Thường được tổ chức vào thời điểm lạnh nhất trong năm, rơi vào cuối năm và đầu năm mới. Đa phần chỉ có nam giới tham gia, chỉ mặc độc một chiếc khố.

Lễ hội này bắt nguồn từ phong tục cổ xưa: thỉnh cầu thần Shinto hoặc các vị thần Phật giáo, trong trạng thái bắt chước một đứa trẻ sơ sinh. Do đó người tham gia gần như khỏa thân. Trước một buổi lễ, những người tham gia phải kiêng ăn thịt và thanh lọc cơ thể bằng cách dội nước lạnh lên người ở ngoài trời. Sau đó, họ sẽ xô đẩy và vật lộn với nhau theo nghi thức truyền thống. Không khí vô cùng sôi động.

Hãy cùng tìm hiểu về 3 lễ hội khỏa thân nổi tiếng tại Nhật Bản nhé:

1/ Lễ hội khỏa thân Somin-sai tại Iwate

Theo truyền thuyết, Somin Shorai là người được ban thưởng vì đã giúp đỡ các vị thần bảo vệ khỏi bệnh tật và thảm họa vĩnh cửu. Truyền thuyết này trở thành tín ngưỡng dân gian khắp Nhật Bản. Nhiều người viết cụm từ “Con cháu của Somin Shorai” lên một tờ giấy treo cửa trước nhà, giống như lời cầu nguyện bình an.

Tại vùng Tohoku, đặc biệt là tỉnh Iwate, lễ hội khỏa thân tên là Somin-sai. Trước kia, nó được tổ chức vào ngày đầu năm mới theo lịch âm. Trong thời hiện đại, nó diễn ra vào ngày thứ Bảy tuần thứ ba của tháng 2.

Trong hơn một nghìn năm, những người tham gia Somin-sai tại Kokusekiji hoàn toàn khỏa thân. Từ năm 2007, họ bắt đầu mặc khố.

Các nam giới tắm nước sông giữa mùa đông để thanh tẩy tại lễ hội khỏa thân Somin-sai. Ảnh: Nippon

Tại ngôi đền Kokusekiji, ở thành phố Oshū, tỉnh Iwate, những người tham gia lễ hội phải khỏa thân tắm nước sông, sau đó cầu nguyện tại sảnh Yakushido và Myokendo của ngôi đền chính. Sau khi lặp lại quá trình này 3 lần, tiếng chuông vang lên, gỗ thông được đốt trước sảnh đền. Các nam giới sử dụng sức mạnh của ngọn lửa để thanh tẩy bản thân. Họ vừa làm vừa hét lên “Jasso! Joyasa!” (“Điều xấu xa hãy biến đi”).

Ngoài ra, giữa trời tuyết, hàng trăm người tham gia phải tranh giành để bắt được somin-bukuro. Đây là một chiếc túi có tác dụng xua đuổi tà ma, bảo vệ khỏi bệnh tật và tai ương; giúp mùa màng bội thu. Chiếc túi chứa các chốt gỗ hình lục giác dài khoảng 3 cm, bùa hộ mệnh có khắc chữ ở mỗi mặt được cho là chứa đựng sức mạnh của Somin Shorai.

Người tham gia lễ hội khỏa thân Somin-sai. Ảnh: Nippon

Tuy vậy, lễ Somin-sai năm 2024 là lễ hội cuối cùng. Từ năm 2025, chỉ thực hiện nghi lễ đốt gậy cầu nguyện. Lý do bởi nơi đây chỉ còn 9 hộ gia đình, không đủ người để tổ chức lễ hội. Nhiều người bày tỏ lễ hội sẽ được tái tổ chức vào một ngày không xa.

2/ Lễ hội khỏa thân Saidaiji Eyo tại Okayama

Buổi lễ hội khỏa thân eyo được tổ chức tại đền Saidaiji ở Okayama trong khoảng thời gian 14 ngày bắt đầu từ ngày đầu năm mới.

Có khoảng 10.000 người đàn ông gần như khỏa thân, chiến đấu để giành một shingi (bùa hộ mệnh bằng gỗ). Bùa hộ mệnh đặc biệt làm từ một thanh gỗ thơm chẻ đôi, dài khoảng 20 cm, tượng trưng cho các lực âm và dương, được ban may mắn thông qua những lời cầu nguyện diễn ra tại chính điện của ngôi đền dịp năm mới. Bất kỳ ai sở hữu bùa hộ mệnh này đều được cho là sẽ có được may mắn trong một năm.

Nguồn gốc của lễ hội có thể bắt nguồn từ năm 1510. Những lá bùa hộ mệnh được gọi là goo được cầu nguyện trong ngày năm mới.

Hàng chục nghìn nam giới tham gia lễ hội khỏa thân Saidaiji Eyo tại Okayama. Ảnh: Nippon

Vào ngày tổ chức eyo, người tham dự chật như nêm tại sảnh đền. Vào 10 giờ đêm, đèn trong sảnh được tắt. 100 lá bùa bó trong cành liễu được ném vào. Trận chiến giành bùa may mắn bắt đầu. Tiếp theo, 2 lá bùa shingi được ném vào.

Khi đèn được bật lên, đám đông ùa vào vì không ai biết bùa shingi ở đâu. Cách duy nhất tìm vị trí của những lá bùa là cố gắng xác định qua mùi hương của gỗ thơm trên tấm bùa.

Bùa shingi được cắm vào hộp gạo để cầu nguyện. Ảnh: Nippon

Những người may mắn tìm thấy những lá bùa hộ mệnh sẽ chạy ra ngoài và tuyên bố chiến thắng. Họ sẽ cắm shingi vào một hộp đựng đầy gạo trắng. Sau lễ hội, những người đại diện địa phương sẽ cầu nguyện cho shingi.

3/ Lễ hội khỏa thân Hayama-gomori tại Fukushima

Đền Kuronuma nằm ở Kanezawa, phía nam thành phố Fukushima, là nơi diễn ra nghi lễ bí mật đã hơn một nghìn năm. Nơi mà các vị thần được cho là giáng xuống, được gọi là “Hayama”, sẽ cấm du khách tới đây. Thời gian duy nhất mà bất kỳ ai cũng được phép đến là ngày diễn ra lễ hội khỏa thân, chỉ được tổ chức 1 lần trong năm. Diễn ra trong 3 ngày bắt đầu từ ngày 16/11 theo lịch âm.

Năm 2023, sự kiện bắt đầu vào ngày 28/12. Năm nay, sự kiện sẽ diễn ra từ 20-22/12/2024 dương lịch.

Người tham gia lễ hội khỏa thân Hayama-gomori tại Fukushima. Ảnh: Nippon

Trong thời gian 3 ngày, những người đàn ông sẽ vào khu vực này sẽ thanh lọc cơ thể của họ trong một khu vực nằm gần đền thờ. Họ cởi bỏ toàn bộ quần áo tại một giếng thiêng vào lúc 5 giờ sáng mỗi ngày. Sau đó dội nước lạnh vào người và cầu nguyện cho chính mình, cũng như cho bạn bè, người thân. Chế độ ăn uống của họ trong thời gian này chỉ có cải thảo và củ cải thu hoạch tại địa phương, cùng với cơm trắng dùng nước từ giếng trong đền.

Vào đêm của ngày đầu tiên, những người tham gia chỉ mặc khố, tham gia vào nghi lễ tái hiện nghề trồng lúa. Trống được đánh nhịp nhàng tượng trưng cho sấm sét và mây. Người tham gia diễu hành theo vòng tròn và cầu nguyện mưa thuận gió hòa. Sau đó, họ va vào nhau như trận chiến giả và hét lên “Yoisa!”. Rồi họ nhặt và thả chiếu tatami, hát những bài hát về trồng trọt. Buổi lễ kết thúc bằng những lời cầu nguyện cho một năm bội thu.

Lễ vật để dâng lên các vị thần trong lễ hội khỏa thân Hayama-gomori tại Fukushima. Ảnh: Nippon

Vào ngày thứ hai, họ giã gạo mochi và làm thành bánh để dâng lên các vị thần. Người thực hiện cũng làm trong tình trạng khỏa thân. Trong một căn phòng khác, những người cao tuổi sắp xếp củ cải và cải thảo thành hình tượng trưng cho nam và nữ, để dâng lên các vị thần.

Nghi thức yama-gake tại lễ hội khỏa thân Hayama-gomori tại Fukushima. Ảnh: Nippon

Từ 3 giờ sáng ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng, nghi lễ yama-gake sẽ bắt đầu. Tất cả những người tham gia đều đội khăn trùm đầu làm từ khăn tay tenugui và mặc trang phục màu trắng.

Họ đứng trước ngôi đền, lắng nghe tiếng chuông ngân vang để thanh lọc trái tim. Một nhà tiên tri được gọi là noriwara đảm nhiệm vị trí này, sẽ được các vị thần nhập vào và kể về tình hình thời tiết và mùa màng trong năm tới.

Bạn có muốn tham dự các lễ hội khỏa thân tại Nhật không?

Exit mobile version